Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Kiểm định chất lượng giáo dục: Yêu cầu sống còn đối với các trường Đại học

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia không chỉ cạnh tranh về kinh tế, về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà còn cạnh tranh về giáo dục. Điều này đã đặt ra một yêu cầu sống còn đối với các cơ sở giáo dục trong việc tìm chỗ đứng, khẳng định uy tín và hội nhập vào nền giáo dục toàn cầu.

               Một nội dung quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục chính là công tác kiểm định chất lượng. Ban Biên tập Thông tin Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐH CNTT), Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã có cuộc trao đổi với ThS Trịnh Thị Mỹ Hiền, phụ trách Phòng Thanh tra - Pháp chế - Đảm bảo chất lượng xoay quanh vấn đề này.

*Thưa ThS Trịnh Thị Mỹ Hiền, xin Cô cho biết một số vấn đề chung về kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện nay?

Kiểm định chất lượng giáo dục đã được hình thành và phát triển từ lâu ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Hiện nay, hoạt động này ngày càng phổ biến bởi nó là một công cụ hiệu quả giúp các trường kiểm soát và đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Hội đồng kiểm định giáo dục đại học của Hoa Kỳ (CHEA, 2003), “Kiểm định chất lượng là một quá trình xem xét chất lượng từ bên ngoài, được giáo dục đại học sử dụng để khảo sát, đánh giá các cơ sở giáo dục và các ngành đào tạo nhằm đảm bảo và cải tiến chất lượng”.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm “kiểm định chất lượng” được đưa vào Luật Giáo dục 2005: “Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát” (Điều 17, Luật Giáo dục).

Năm 2007, Bộ GD&ĐT đã có các văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn dùng để làm công cụ đánh giá và kiểm định. Tháng 5/2013 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 462 (về quy trình) và công văn số 527 (về tiêu chí) đánh dấu sự hoàn thiện về quá trình chuyển giao các phương pháp đánh giá của Bộ GD&ĐT dành cho các trường đại học trên cả nước, chuẩn bị tiến đến kiểm định chất lượng toàn diện.

Từ đó đến nay, hoạt động kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch kiểm định với mục tiêu đến năm 2020 tất cả các trường đại học trong cả nước phải được kiểm định. Tính đến tháng 03/2017, theo kết quả thống kê của 4 trung tâm kiểm định trực thuộc các đơn vị: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG-HCM, ĐH Đà Nẵng và Hiệp Hội các trường cao đẳng đại học Việt Nam, cả nước đã có 22 trường đại học được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo theo AUN-QA, đồng thời đang triển khai áp dụng thí điểm bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp trường theo AUN-QA với 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí.   

*Vậy kiểm định chất lượng có vai trò như thế nào đối với các trường đại học, thưa Cô?

Kiểm định chất lượng giáo dục có 4 vai trò lớn.

Thứ nhất, kiểm định chất lượng giáo dục giúp các trường đại học có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình  một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. Đã có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng như: chất lượng được đánh giá bằng yếu tố “đầu vào”, “đầu ra” hay bởi “giá trị gia tăng”… Tuy nhiên, để đánh giá chính xác chất lượng của một trường, không thể chỉ xem xét ở một khía cạnh về chất lượng đầu vào hay đầu ra, mà cần có cái nhìn tổng thể về toàn bộ hoạt động của nhà trường. Đó chính là vai trò của kiểm định, bản thân kiểm định chất lượng sẽ không tạo ra chất lượng ngay cho mỗi trường, mà nó chính là tấm gương phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường, giúp cho các nhà quản lý nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị mình để từ đó có bước hành động tiếp theo phù hợp.

Thứ hai, kiểm định chất lượng giúp các trường đại học định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động. Chuẩn mực chất lượng đã được Bộ GD&ĐT xác định đầu tiên vào năm 2007 (Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng GD&ĐT) đó là bộ tiêu chuẩn gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí và những chỉ số cụ thể mà các trường cần phải đạt để đảm bảo chất lượng toàn diện. Việc phân tích, mô tả hiện trạng, tìm ra điểm mạnh, tồn tại đồng thời lập kế hoạch hành động, đề ra giải pháp nhằm giải quyết các tồn tại này chính là các định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của các trường đại học.

Thứ ba, kiểm định chất lượng giáo dục là lời tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của trường. Trước tiên, việc tự nguyện đăng ký kiểm định được xem là lời cam kết về chất lượng đào tạo mà nhà trường mang lại cho người họcvà các bên liên quan khác như: nhà tuyển dụng, các đối tác, xã hội. Thêm vào đó, hoạt động đánh giá ngoài được thực hiện thông qua bên thứ ba là các chuyên gia có kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu và quản lý giáo dục đại học, có chứng nhận đào tạo kiểm định viên và/hoặc thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục sẽ mang tính khách quan cao trong việc công nhận chất lượng của nhà trường. Vì vậy, kết quả kiểm định cung cấp cho các bên liên qua những thông tin kịp thời, chính xác để xác nhận chất lượng đào tạo của nhà trường, từ đó có cơ sở lựa chọn được các dịch vụ phù hợp.

Thứ tư, kiểm định chất lượng giáo dục tạo tiền đề xây dựng văn hoá chất lượng cho cơ sở giáo dục.Hoạt động kiểm định chất lượng dựa trên các chỉ số, các chuẩn mực để đánh giá, do đó, các thông tin này sẽ giúp mỗi thành viên của nhà trường hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan làm thế nào là đạt chất lượng, nhờ đó họ biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng, khi đó văn hóa chất lượng sẽ dần hình thành tại cơ sở GDĐH.

*Trong quá trình triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục sẽ gặp những khó khăn nào, thưa Cô?

Kiểm định chất lượng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường và xã hội, tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác này, các trường còn gặp một số khó khăn như:

Thứ nhất, thiếu sự quyết tâm, cam kết thực hiện của lãnh đạo nhà trường. Hoạt động đảm bảo chất lượng nội bộ nói chung và công tác kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự tham gia, đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên, sinh viên. Thực tiễn cho thấy, nếu cấp lãnh đạo có nhận thức đúng, thực sự quan tâm, đầu tư công sức, chỉ đạo sát sao thì công tác kiểm định của trường mới có thể thực hiện đúng quy trình, đạt hiệu quả. Sự quyết tâm, cam kết thực hiện cũng sẽ tạo động lực cho tập thể cùng hướng đến mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ của nhà trường. Tuy nhiên, hiện tại nhiều nhà quản lý chưa nhận thức đầy đủ và thấy được tầm quan trọng của công tác kiểm định nên sẽ rất khó khăn để triển khai công tác này.

Thứ hai, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên, sinh viên về công tác kiểm định chất lượng giáo dục chưa cao. Đến nay, công tác kiểm định chất lượng đã không còn là vấn đề quá mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, việc triển khai đến tất cả các đối tượng liên quan trong nhà trường vẫn chưa hiệu quả. Rất nhiều giảng viên, sinh viên, các nhà tuyển dụng lao động chưa hiểu biết đầy đủ về vai trò, tác dụng cũng như nội dung của công tác kiểm định chất lượng. Sự thiếu hiểu biết này chủ yếu do công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời các hoạt động tự đánh giá, kiểm định trường chủ yếu do một vài đơn vị chuyên trách thực hiện, chưa thực sự trở thành hoạt động thường kì tại nhà trường để các đối tượng liên quan dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin.

Thứ ba, thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai, viết báo cáo tự đánh giá để tiến hành kiểm định chất lượng. Hầu hết các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá là cán bộ quản lý phụ trách nhiều công việc ở trư­ờng nên ít đầu t­ư đư­ợc thời gian thoả đáng cho hoạt động tự đánh giá. Bên cạnh đó, các nhóm chuyên trách viết báo cáo tự đánh giá còn thiếu kinh nghiệm, chưa được tập huấn bồi dưỡng các kĩ thuật thu thập, xử lý thông tin, minh chứng. Thiếu sự phối hợp giữa các nhóm chuyên trách trong quá trình tự đánh giá, các buổi thảo luận chung giữa các nhóm chuyên trách, giữa các nhóm chuyên trách với Hội đồng tự đánh giá còn ít. Chính những điều này gây khó khăn cho công tác kiểm định chất lượng khi các chuyên gia đánh giá phần lớn thông qua báo cáo tự đánh giá của nhà trường.

Thứ tư, khó khăn trong việc thu thập, sử dụng, quản lý minh chứng phục vụ tự đánh giá. Có thể nói thu thập và phân tích minh chứng là việc khó khăn đối với tất cả các trường. Nguyên nhân là do công tác lưu trữ chưa tốt, chẳng hạn chưa thành thói quen lưu văn bản ghi chép nội dung các cuộc họp hoặc phổ biến công tác, đặc biệt nhiều số liệu chưa được thống kê theo bảng biểu để đoàn đánh giá dễ theo dõi và đánh giá sự thay đổi của nhà trường và xu hướng, phát triển trong thời gian tới.

 

*Với riêng Trường ĐH CNTT ĐHQG-HCM thì công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã diễn ra như thế nào, thưa Cô?

               Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT và của ĐHQG-HCM về lộ trình kiểm định chất lượng giáo dục, trường ĐHCNTT đã triển khai hoạt động tự đánh giá cấp cơ sở giáo dục dựa trên Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT ngày 03/3/2014 hợp nhất Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 37/2012/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lần đầu tiên Trường thực hiện tự đánh giá là vào tháng 05/2010. Từ kết quả tự đánh giá này, Trường đã có kế hoạch và thực hiện cải tiến. Sau khi cải tiến lần I, Trường đã cập nhật lại báo cáo tự đánh giá và được đánh giá ngoài nội bộ bởi ĐHQG-HCM vào năm 2012. Kết quả đánh giá cho thấy Trường có rất nhiều vấn đề cần cải tiến để đảm bảo chất lượng và Trường đã lên kế hoạch, quyết tâm thực hiện.

Tháng 10/2015, Trường thực hiện rà soát, đánh giá giữa kỳ, do Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục (TTKĐCLGD) ĐHQG-HCM đánh giá, kết quả đánh giá cho thấy Trường đã có những tiến bộ vượt bậc so với năm 2012, đa số các nội dung không đạt đều đã được khắc phục. Vì vậy, về cơ bản, Trường đáp ứng tốt bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT và đủ điều kiện đăng ký đánh giá ngoài để công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trường tiếp tục hoàn thiện báo cáo tự đánh giá và hệ thống cơ sở dữ liệu, minh chứng online. Từ ngày 29/10 – 02/11/2016, Trường thực hiện kiểm định chất lượng bởi TTKĐCLGD ĐHQG Hà Nội.

Về công tác chuẩn bị kiểm định chất lượng

Trước thời gian kiểm định 1 tháng, Trường đã lên kế hoạch chuẩn bị tiếp đón Đoàn chuyên gia bằng cách thành lập 4 tiểu ban chức năng. Mỗi tiểu ban gồm 5 - 7 thành viên có vai trò là đầu mối để phối hợp cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ. Các tiểu ban hoạt động dưới sự điều hành của Ban Chỉ đạo (thành phần gồm Ban Giám hiệu và các trưởng đơn vị có liên quan). Trong đó:

- Tiểu ban nội dung chịu trách nhiệm toàn bộ về cơ sở dữ liệu, các thông tin, minh chứng cung cấp cho Đoàn đánh giá ngoài.

- Tiểu ban hậu cần có nhiệm vụ liên lạc, thanh toán các thủ tục, hợp đồng với TTĐCLGD ĐHQG  Hà Nội, đồng thời chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị bandroll, backdrop, đăng tin ảnh, công tác hậu cần như ăn uống, nghỉ ngơi, đưa đón Đoàn đánh giá ngoài.

- Tiểu ban liên lạc, điều phối, quà tặng chịu trách nhiệm về việc liên hệ, lập danh sách các đối tượng phỏng vấn trong và ngoài trường, chuẩn bị quà tặng các đối tượng phỏng vấn, điều phối các phiên phỏng vấn. Ngoài ra, tiểu ban cũng phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế - Đảm bảo chất lượng để gặp gỡ và trao đổi thông tin về với các đối tượng phỏng vấn, giúp họ hiểu rõ thêm về công tác tự đánh giá và kiểm định của Trường.

- Tiểu ban cơ sở vật chất chịu trách nhiệm kiểm tra các cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các văn phòng làm việc; bố trí phòng làm việc, phòng phỏng vấn, các phương tiện làm việc của Đoàn đánh giá ngoài, đảm bảo các thiết bị vận hành tốt; hướng dẫn Đoàn tham quan cơ sở vật chất trong và ngoài Trường.

Việc thành lập các tiểu ban giúp Ban Giám hiệu bao quát toàn bộ hoạt động và có cơ sở đánh giá hiệu quả từng công việc. Theo đó, trưởng mỗi tiểu ban lập kế hoạch, phân công công việc cho từng thành viên và giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện. Trưởng tiểu ban có nhiệm vụ báo cáo cho Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai công việc theo từng tuần và báo cáo hoàn thành công việc trước khi diễn ra đợt khảo sát 3 ngày.

Với tinh thần đã được Ban Giám hiệu quán triệt và toàn trường đồng lòng hỗ trợ hết mình cho Đoàn đánh giá ngoài, trong đợt kiểm định Trường, các tiểu ban nói riêng và toàn thể CB-GV-NV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo sự hài lòng và thiện cảm từ phía Đoàn đánh giá ngoài.

Về công tác đón tiếp Đoàn đánh giá ngoài

Cần khẳng định một điều là công tác kiểm định chất lượng không phải là thanh tra để tìm kiếm khuyết điểm của nhà trường, mà các đánh giá viên như là những sứ giả của chất lượng giúp Trường nhận thấy được những điểm mạnh cũng như những tồn tại của mình, để từ đó xác định chương trình hành động tiếp theo nhằm duy trì và cải tiến chất lượng.

Chương trình kiểm định Trường ĐHCNTT diễn ra trong vòng 5 ngày với các hoạt động như nghiên cứu hồ sơ, minh chứng, báo cáo tự đánh giá; phỏng vấn các đối tượng liên quan; tiếp xúc và làm việc với đội ngũ lãnh đạo nhà trường; tham quan thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường.

Nhìn chung, đợt kiểm định tại Trường diễn ra khá thuận lợi. Các kiểm định viên có thái độ thân thiện trong quá trình làm việc, đặc biệt khi tiếp xúc với các đối tượng phỏng vấn, Đoàn đánh giá luôn tạo không khí cởi mở, hòa đồng để các đối tượng có thể nói lên ý kiến của mình một cách thoải mái nhất.

Về phía Trường, trong suốt thời gian kiểm định, Phòng Thanh tra - Pháp chế - Đảm bảo chất lượng là đầu mối liên lạc trực tiếp giữa Trường, các tiểu ban phục vụ và Đoàn đánh giá, chịu trách nhiệm truyền đạt các yêu cầu của Đoàn đến các đối tượng liên quan để thực hiện các công việc liên quan.

Đại diện lãnh đạo VNU-CEA và Hiệu trưởng UIT ký biên bản hoàn thành khảo sát đánh giá

*Và Trường ĐH CNTT đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Cô?

               Với sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ đào tạo, kết quả kiểm định Trường đã đạt yêu cầu 51/61 tiêu chí đánh giá (chiếm 83.60%). Với kết quả này, Nhà trường đã được Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc TTKĐCLGD - ĐHQG Hà Nội công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (Theo Quyết định số 36/QĐ-KĐCL ngày 12/04/2017).

Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của Trường ĐH CNTT

Kết quả này là dấu mốc ghi nhận sự phát triển của Trường trong 10 năm thành lập, là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức Nhà trường trong giai đoạn đầu phát triển; góp phần nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo chất lượng của cán bộ, giảng viên của và là đòn bẩy quan trọng giúp Trường cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục hướng tới tiêu chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế.

Kết quả kiểm định chất lượng còn là căn cứ quan trọng để Trường giải trình với Bộ GD&ĐT và xã hội về chất lượng đào tạo, phục vụ; nâng cao vị thế và hình ảnh của Trường giúp người học và nhà tuyển dụng lao động có thêm cơ sở để lựa chọn học tập và hợp tác.

Với tầm nhìn đến năm 2030, Trường ĐH CNTT trở thành trường đại học uy tín về CNTT - truyền thông và các lĩnh vực liên quan trong khu vực Châu Á thì công tác đảm bảo và cải tiến không ngừng chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học là một vấn đề hết sức quan trọng. Lợi ích từ hoạt động kiểm định chất lượng đem lại là rất lớn.

Ngoài việc rà soát, đánh giá hiện trạng chất lượng giáo dục của Trường, Trường đã đề ra lộ trình phát triển cho giai đoạn 2016-2021 với những mục tiêu cơ bản như đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, tập trung vào các nghiên cứu trọng điểm và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó Trường cũng không ngừng quảng bá, xây dựng thương hiệu trường, phát triển các đối tác chiến lược đồng thời tiến tới tự chủ về tài chính để chủ động xây dựng kế hoạch thu, chi hợp lý, hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT và cơ sở vật chất.

Xin trân trọng cảm ơn Cô!