Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Th.S Phan Thế Duy - Người trẻ làm nghiên cứu: Đừng sợ thất bại!

Với xuất phát điểm là sinh viên UIT, thông qua những nỗ lực của mình, Th.S Phan Thế Duy trở thành giảng viên trẻ tại chính nơi mình theo học. Sau đó, Th.S Duy xuất sắc giành học bổng Chương trình đào tạo Tiến sĩ trong nước của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF, Tập đoàn Vingroup năm 2020.

 

Giảng viên trẻ xuất sắc giành học bổng Chương trình đào tạo Tiến sĩ trong nước của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF, Tập đoàn Vingroup năm 2020.

Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Kỹ thuật phần mềm và cao học ngành Công nghệ thông tin tại Trường ĐH Công nghệ thông tin, Th.S Phan Thế Duy quyết định ở lại làm giảng viên cho chính nơi mình từng học tập. Năm 2020, sau những cố gắng không ngừng nghỉ, Th.S Phan Thế Duy xuất sắc giành học bổng Chương trình đào tạo Tiến sĩ trong nước của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF, Tập đoàn Vingroup. Với học bổng này, thầy Duy tiếp tục nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm An toàn thông tin (InSecLab) để hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sĩ tại UIT.

Hơn 6 năm công tác tại UIT, những cống hiến của thầy Duy cho giáo dục được ghi nhận qua loạt bằng khen của Giám đốc ĐHQG TP. HCM và Bộ Giáo dục Đào tạo cho cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Đồng thời thầy cũng là giảng viên hướng dẫn nhóm Sinh viên đạt giải Nhất Lĩnh vực Công nghệ Thông tin tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 22 năm 2020 do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Bên cạnh đó, Th.S Phan Thế Duy còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học đăng trên Kỷ yếu Hội nghị khoa học và Tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Computers & Security, hội nghị  SoICT 2019, RIVF 2020, SoMET 2021…

Hiện tại, Thầy và nhóm nghiên cứu InSecLab đang tập trung vào các vấn đề bảo mật, an toàn thông tin đang nổi lên gần đây trong bối cảnh Chuyển đổi số. Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng đang ứng dụng Học máy đối kháng (Adversarial Machine Learning/GANs) để phát triển một công cụ có khả năng đánh lừa, qua mặt các hệ thống thông minh (các hệ thống dựa vào trí tuệ nhân tạo), để kiểm tra khả năng bền vững, phát hiện điểm yếu của các mô hình này trước khi đưa vào áp dụng thực tế. Thầy Duy chia sẻ “Sinh viên có hứng thú về những hướng nghiên cứu khoa học hay phong trào CTF, có thể nhắn trực tiếp với Fanpage UIT InSecLab hoặc gửi email về Phòng thí nghiệm An toàn Thông tin để có thể tham gia nhóm nghiên cứu InSecLab và Câu lạc bộ Wanna.One - UIT Hacking Community ngay từ sớm”.

 

Ý tưởng khác biệt luôn được  trân trọng và vun đắp ở UIT 

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Kỹ sư Kỹ thuật phần mềm, thầy Duy làm việc trong một công ty đa quốc gia, với vị trí R&D trong thời gian 4 năm. Đến năm 2016, thầy trở lại giảng dạy tại UIT. Thầy Duy trải lòng: “Từ sinh viên rồi trở thành giảng viên quan sát hành trình trưởng thành của một sinh viên thật sự là một niềm vui, bởi xung quanh mình luôn có sự trẻ trung, năng động, và khát khao chinh phục ước mơ của các bạn sinh viên. UIT mang lại cho mình sự gần gũi, chân thành. Đặc biệt, ở UIT những ý tưởng khác biệt luôn luôn được trân trọng và vun đắp để biến thành sự thật. Ngoài ra, khi cảm thấy lạc đường, thầy cô UIT sẽ ở bên dẫn dắt các bạn tìm lại sự tự tin và hoài bão của mình.” 

“Bên cạnh đó UIT cũng có nhiều câu lạc bộ học thuật chuyên sâu và hội nhóm hỗ trợ đời sống tinh thần cho sinh viên. Đây thật sự là một môi trường thích hợp để nuôi dưỡng đam mê công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ 4.0” - Thầy Duy chia sẻ thêm.

Deadline trao cơ hội luyện tập cho "vận động viên IT"

Qua nhiều năm giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, Th.S Phan Thế Duy tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Thầy Duy cho rằng “Bước chuẩn bị có một vị trí đặc biệt, nó góp phần quyết định chất lượng của công trình nghiên cứu. Đối với sinh viên, việc chọn một đề tài đáp ứng được các yếu tố của một nghiên cứu khoa học là điều không dễ. Tại UIT, sinh viên có thể hỏi thầy cô hướng dẫn để nhận được lời khuyên phù hợp với mình. Sau đó, sinh viên cần có kỹ năng nhất định liên quan tới các kỹ thuật được sử dụng trong bài toán. Trong đó, kỹ năng và tư duy lập trình cũng là một trong những tiêu chí giúp các bạn hiện thực ý tưởng của mình. Riêng các bạn sinh viên ngành An toàn thông tin, những dạng thử thách ở các bài tập thực hành CTF sẽ giúp các bạn tích lũy đủ kỹ năng cần thiết để thực sự hiểu rõ về bản chất của một vấn đề bảo mật hệ thống hiện có, trước khi đưa ra giải pháp phòng vệ, cải tiến. Một điều quan trọng khác, Sinh viên phải có tư duy phản biện, và phương pháp kiểm chứng kết quả khách quan khi thực hiện đề tài. Giảng viên hướng dẫn hay những anh, chị đi trước có thể giúp rèn luyện cho sinh viên một số kỹ năng tư duy, kỹ năng đọc, kỹ năng viết, kỹ năng phản biện... Do đó, tham gia vào một nhóm nghiên cứu và thường xuyên hoạt động, giữ được mối quan hệ đó sẽ tạo cho các bạn một môi trường tôi luyện bản thân trên con đường chinh phục khoa học của mình. Cuối cùng, hãy chọn đề tài làm mình thấy lôi cuốn, có sự mới mẻ, có thể áp dụng thực tiễn trong tương lai gần, phù hợp với sở thích riêng, phù hợp với công việc của mình trong tương lai.”

Trong đợt bùng phát dịch Covid thầy Duy đặc biệt lưu ý: “Sinh viên thể tận dụng quỹ thời gian này như một cơ hội để phát triển kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, khả năng làm việc độc lập mà vẫn tương tác hỗ trợ các thành viên khác trong nhóm khi thực hiện các chủ đề nhỏ trong nghiên cứu của mình qua các nền tảng cộng tác như Gitlab, Github, MS Teams,... Để đạt được hiệu quả, cố gắng nghiên cứu và viết liên tục các ý tưởng của mình và nhờ các thành viên trong nhóm phản biện, cần tập trung cao độ, tránh bị gián đoạn bởi các công việc khác.”

Ngoài ra thầy còn chia sẻ thêm: “Ở UIT, Sinh viên thường hay bảo nhau là nếu một tuần mà không có bài tập, deadline mới được giao thì chắc là sẽ một ngày khác thường. Nhưng mà, rồi một ngày kia khi nhìn lại sinh viên sẽ nhận ra những cuộc "chạy đua nước rút" mang tên deadline trong hành trình chinh phục Giảng đường Đại học ở UIT lại là cơ hội luyện tập để trở thành những "vận động viên IT" cừ khôi. Hi vọng các bạn sinh viên UIT sẽ giữ lửa được chính mình trong suốt bốn năm đại học. Đừng nản lòng, chỉ có sự cố gắng, nỗ lực của bản thân mới có thể giữ lửa chính mình. Dù tương lai có một lựa chọn khác đừng sợ và chần chừ, hãy bắt tay vào làm và làm thật tốt! Hơn chính mình của ngày hôm qua đã là một thành công rồi.”

Trường Đại học Công nghệ Thông tin cảm ơn những chia sẻ quý báu của giảng viên Phan Thế Duy. Xin chúc cho những dự định trong tương lai của thầy và nhóm nghiên cứu InSecLab sẽ thành hiện thực! 

Doãn Hằng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin