Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Trải nghiệm hệ điều hành di động FireFox OS

TTO - Hệ điều hành nguồn mở cho thiết bị di động FireFox OS đã có bản thử nghiệm đầu tiên trên Windows, Linux và Mac sau khi đổi tên từ dự án Boot to Gecko (B2G) giới thiệu vào năm 2011.

>> Nhiều vị ngọt từ Android 4.1 Jelly Bean
>> Windows Phone 8: "thần Apollo" lộ diện
>> Apple iOS 6: Siri thông minh hơn, tiến đến iPad

Mozilla quyết tâm đưa FireFox OS chen chân vào thị trường hệ điều hành di động, vốn đang là sân chơi của Android và iOS - Ảnh: Internet

Bản thử nghiệm đầu tiên

Mozilla, tổ chức phi lợi nhuận phát triển trình duyệt web FireFox, bắt đầu giới thiệu dự án hệ điều hành cho thiết bị di động Boot to Gecko (B2G) vào năm 2011. Vừa qua, Mozilla đổi tên B2G thành FireFox OS, xây dựng thành hệ điều hành di động trên nền web với vi kiến trúc hệ thống dựa trên nhân Linux. 

FireFox OS có ba lớp phần mềm cơ bản: Gonk (phần lõi, HAL và các thành phần cấp thấp), Gecko (công cụ biên dịch, các web API) và Gaia (giao diện người dùng theo chuẩn HTML5).

Hoàn toàn là một trải nghiệm trên nền web, FireFox OS được thiết kế để loại bỏ nhu cầu về ứng dụng xây dựng từ các API. Thay vào đó, các lập trình viên có thể tạo những ứng dụng mới bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn mở như HTML5. Mọi thứ đều sẽ là một ứng dụng HTML5 bao gồm cả trình duyệt web, email, mạng xã hội hay game.

Theo đó, những chức năng trong điện thoại sẽ triển khai thành ứng dụng web như gọi điện thoại, camera, Bluetooth, USB hay NFC sẽ triển khai như là các web API rồi đệ trình lên tổ chức W3C nhằm chuẩn hóa.

Các ứng dụng trên bản thử nghiệm của FireFox OS - Ảnh: Internet

Ý tưởng của Mozilla không mới. Trước đó, Palm đã triển khai WebOS dựa trên công cụ biên dịch WebKit (trái tim của trình duyệt web Apple Safari và Google Chrome). Mozilla tiến thêm một bước từ ý tưởng này, phát triển trên nhân Linux, kết hợp với công cụ biên dịch Gecko của chính mình. Mozilla cho biết FireFox OS có thể hoạt động tốt ngay cả trên những thiết bị di động có ít bộ nhớ và chip xử lý chậm chạp.

Người dùng và các lập trình viên có thể trải nghiệm FireFox OS từ trên desktop Windows, Linux và Mac OS X (tải về tại đây). Toàn bộ mã nguồn được cung cấp đầy đủ nhằm hỗ trợ lập trình viên tạo và thử nghiệm những ứng dụng web tương thích.

Phần hướng dẫn cài đặt và dùng thử FireFox OS tham khảo tại đây.

Các ông lớn hậu thuẫn

Dự án FireFox OS đã thu hút được sự chú ý của các hãng viễn thông lớn trên thế giới. Nhiều "đại gia" là các nhà mạng lớn tại Đức, Na Uy, Mỹ... tuyên bố sẽ hậu thuẫn cho dự án như Deutsche Telekom, Telecom Italia, Telenor, Telefónica, Sprint hay các hãng sản xuất thiết bị viễn thông như TCL Communication Technology (Alcatel), ZTE lên kế hoạch cho mẫu thiết bị dùng FireFox OS đầu tiên ra mắt vào năm 2013.

Các dòng điện thoại dùng FireFox OS sẽ hướng tới các thị trường mới nổi, đánh vào phân khúc smartphone bình dân giá rẻ. Cụ thể là các thị trường vùng châu Phi, Đông Nam Á, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc.

Những chức năng và ứng dụng trong FireFox OS đều là những ứng dụng HTML5 - Ảnh: Wired

Bước chân ra biển lớn

Câu hỏi đặt ra là FireFox OS sẽ được chào đón thế nào khi thế giới đã có một hệ điều hành di động nguồn mở rất hùng mạnh: Google Android, gã khổng lồ Apple iOS và đối thủ khó chịu Microsoft Windows Phone.

Tuy chiếm phân nửa thị phần hệ điều hành cho thiết bị di động nhưng Android cũng đang gặp khó, một thời cơ nhỏ cho FireFox OS nắm bắt. Google tuyên bố Android "miễn phí" và "mở", mọi nhà sản xuất thiết bị di động đều có thể tự nhiên tích hợp. Tuy nhiên, họ phải trả phí cho Microsoft về bản quyền phát minh công nghệ khi muốn sử dụng Android trên các sản phẩm thương mại của mình. Trong khi đó, FireFox OS cũng "mở" và "miễn phí", các nhà mạng hay sản xuất thiết bị có thể mặc nhiên tùy chỉnh thoải mái theo ý mình.

Điểm yếu của FireFox OS hiện nay lại chính là HTML5. Chuẩn web này hiện chưa hoàn toàn sẵn sàng cho điện thoại di động. Mozilla cũng thừa nhận đang tích cực mở rộng thêm các chuẩn web. Một số game cơ bản cũng chỉ mới được bắt đầu giới thiệu trên nền HTML5.

Mozilla mong muốn tạo ra một hệ sinh thái (ecosystem) dựa trên thương hiệu ăn khách FireFox nhưng phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là ngân sách. Nguồn thu chính yếu của Mozilla hiện nay vẫn đến từ số chi phí vào khoảng 300 triệu USD mỗi năm từ Google để đưa công cụ tìm kiếm này thành mặc định trên trình duyệt web FireFox. Rủi thay, trình duyệt web Chrome của chính Google lại đang phát triển vùn vụt, vượt lên trên cả FireFox. Nguy cơ giảm hoặc mất hẳn khoản chi phí đầu tư trên sẽ kéo theo nguy cơ ngưng trệ toàn bộ dự án FireFox OS.

Câu chuyện FireFox OS tiến vào thị trường di động như lèo lái một chiếc xuồng nhỏ ra đại dương, chống chọi với những cơn sóng lớn Android, iOS và Windows Phone. Vẫn còn những phần thú vị đang chờ đợi.

THANH TRỰC