Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Gặp gỡ chàng trai ít kinh nghiệm “đây đó” nhận nhiều trải nghiệm “đó đây”

Được ba mẹ bảo bọc khá kỹ nên từ nhỏ đến năm 2 đại học, Nguyễn Quốc Trung chỉ có chuyến đi chơi xa nhất là ở… Vũng Tàu với gia đình. Vậy mà bước vào năm 3, chàng sinh viên lớp chất lượng cao ngành Kỹ thuật Phần mềm Trường ĐH Công nghệ Thông tin (UIT) này đã thực hiện được cú “hattrick” ngoạn mục khi liên tiếp dành được 3 suất học bổng tham gia các chương trình giao lưu quốc tế ở Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Hosei (Nhật Bản) và Đại học Havard (Hoa Kỳ) mà không ít bạn trẻ mơ ước.

Nguyễn Quốc Trung sinh viên lớp chất lượng cao ngành Kỹ thuật Phần mềm Trường ĐH Công nghệ Thông tin (UIT)

Điều gì đã làm cho chàng trai ít kinh nghiệm “đây đó” lại có cơ hội nhận được nhiều trải nghiệm “đó đây” như vậy? Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với chàng sinh viên thú vị này.

Chào Quốc Trung, có vẻ năm học qua là năm học đáng nhớ với bạn khi bạn vừa là 1 trong 53 sinh viên châu Á nhận được Giải thưởng Temasek Foundation International Leadership Enrichment and Regional Networking (TFI-LEaRN) của Singapore, vừa nằm trong số ít sinh viên nhận được học bổng chương trình Sakura đến Nhật Bản để học về công nghệ và đặc biệt là 1 trong 5 sinh viên nhận được Giải thưởng “Đến Harvard - Học thành công”. Bạn có thể chia sẻ một vài cảm xúc cũng như kỷ niệm khi tham gia các chương trình này?

Giải thưởng TFI-LEaRN đến với mình như một giấc mơ tuyệt đẹp mà mình may mắn có được. Bởi đó là lần đầu tiên mình thử tìm kiếm nó. Trước đây, mình được ba mẹ bảo bọc khá kỹ nên mình chưa đi đâu xa bao giờ, xa nhất là Vũng Tàu và đó cũng là lần đi xa duy nhất từ hồi năm cấp 2. Vì vậy, quyết định lén cha mẹ đăng ký tham gia chương trình này là một điều rất dũng cảm đối với mình lúc đó.

Điều mình nhận được và cũng là điều mình nhớ nhất khi tham gia chương trình này chính là tình bạn từ các nước trong khu vực, nó thân thiết như người trong gia đình. Đó là lần đầu tiên mình cảm nhận được sự mất mát lớn khi chia tay các bạn tại sân bay. Với mình, một nhóm bạn đến từ các quốc gia khác nhau cùng sinh hoạt, trò chuyện, trải qua bao nhiêu vui buồn trong suốt 5 tháng là điều thật khó quên.

Mình nghĩ rằng tìm hiểu về nền giáo dục của các quốc gia trong khu vực để tìm ra những điểm hay và yếu của Việt Nam cũng là một động lực để mình thay đổi và phát triển. Việc có nhiều bạn bè khắp nơi sẽ làm cho thế giới thu hẹp lại và ước mơ lớn sẽ không quá xa vời. Đó cũng chính là lý do thôi thúc mình làm những điều mới mẻ như chuyến đi đến Đại học Harvard vừa rồi.

Quốc Trung có thể kể rõ hơn về các hoạt động của bạn tại Đại học Havard? Ở đó, điều gì làm bạn ấn tượng nhất?

Chương trình “Đến Harvard - Học thành công” do tập đoàn Hoa Sen tài trợ. Mình và 4 bạn nữa có hai ngày cuối tuần tham quan thành phố, còn năm ngày trong tuần là lịch học tập và giao lưu từ sáng cho đến chiều tối với các giáo sư của ĐH Havard và nhiều ĐH lớn khác. Ở đó, mình được học các chuyên đề như: Trí tuệ nhân tạo, Tâm sinh lý cho nhà lãnh đạo, Thẻ điểm cân bằng, An ninh mạng, Lãnh đạo sáng tạo, Xây dựng thương hiệu toàn cầu. Ngoài ra còn có buổi giao lưu với cựu thống đốc bang Massachussette, ông Michael Dukakis, để nghe về phong cách lãnh đạo của ông. Kết thúc chuyến đi là buổi hội thảo chuyên đề “Xóa bỏ sự phân biệt trong thời đại hội nhập” tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Điều làm mình ấn tượng nhất là dòng chữ Veritas (trung thực) trên mỗi cánh cổng của ĐH Harvard. Đó là một đức tính tối thượng của bất cứ sinh viên, cán bộ nào của ĐH Harvard phải có và duy trì. Tất cả hướng đến một môi trường học thật, hiểu thật, thành công thật. Đây là điều không mới nhưng mình rất tâm đắc vì sự đề cao một cách nghiêm túc của họ hơn cả trí tuệ hay tiền bạc.

Vậy theo bạn, “Bí kíp” để trở thành ứng viên sáng giá của các chương trình giao lưu quốc tế là gì?

Như mình đã nói, từ nhỏ mình được ba mẹ bảo bọc khá kỹ nhưng mình lại luôn muốn chui ra khỏi bọc (cười). May mắn là những năm cấp 2, cấp 3 mình tập trung học tiếng Anh và đạt được các thành tích như giải Nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh; Huy chương đồng Olympic tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia; giải Nhất hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh (thi nhóm). Đó là tiền đề để khi vào đại học, được học lĩnh vực mình đam mê - công nghệ thông tin - mình thấy tự tin và bắt đầu tìm kiếm các học bổng du học hoặc chương trình trao đổi nước ngoài để chui ra khỏi bọc ngay khi có thể (cười).

Mình nghĩ giỏi ngoại ngữ và sự đam mê ngành mình đang học là chiếc chìa khóa dẫn bạn đến thành công.

Công nghệ thông tin có rất nhiều ngành nhỏ, tại sao Trung chọn ngành Kỹ thuật Phần mềm để “đào sâu”? Ngành học này của UIT có gì đặc biệt?

Ngành Kỹ thuật Phần mềm tập trung vào hai mảng: phần mềm và phát triển game. Lúc nhỏ mình rất thích chơi game nên chọn ngành này để có thể thử theo đuổi sở thích. UIT có đặc điểm rất hay là phân ra chuyên ngành ngay từ khi vào học giúp người học có định hướng rất rõ ràng khi bắt đầu nên mình chọn ngành này của trường để theo học.

Sau 3 năm học mình càng thấy đây là một ngành học rất thú vị, lại có nhiều giảng viên dạy hay và hiện đại. Nhiều khi mình nghĩ, có lẽ nhờ có sự thoải mái và thân thiện của cán bộ nhân viên UIT nên mình mới có được nhiều cơ hội như hôm nay.

Kiến thức chuyên ngành đã hỗ trợ bạn thế nào trong các chuyến giao lưu vừa qua?

Chính chuyên ngành của mỗi cá nhân làm cho các chương trình giao lưu trở nên đa dạng hơn bên cạnh đa chủng tộc. Mỗi người đều được phân công công việc phù hợp với chuyên ngành của mình. Ở Singapore thì Trung giúp các bạn sử dụng máy tính làm đoạn phim kỷ niệm tại buổi lễ chia tay. Còn đối với chuyến học tập tại ĐH Harvard, mình sử dụng các kiến thức đã học để làm các bài thuyết trình giúp các anh chị trong đoàn có những kiến thức cơ bản về lĩnh vực chuyên sâu của công nghệ thông tin trước khi tiếp xúc với bài giảng trực tiếp của giáo sư.

Sắp đến, Trung sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội giao lưu quốc tế khác chứ ?

Giờ năm 4 rồi nên mình muốn tập trung tốt nhất vào hai kỳ thực tập trước khi tốt nghiệp. Sau đó mình sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc ở một nước ASEAN +3 nào đó để mở rộng hiểu biết của mình cũng như trải nghiệm về văn hóa. Hy vọng là một thời gian không lâu sau đó mình có đủ kinh nghiệm để mở một start-up CNTT ở trong nước để thử thách bản thân.

Tin: Đoàn Thị Minh Châu