Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

2 đại gia viễn thông Trung Quốc 'uy hiếp an ninh Mỹ'

Nhiều công ty từng dùng thiết bị mạng của Huawei đã thông báo về "hàng loạt trường hợp" bất thường, trong đó có việc tự động truyền dẫn một lượng lớn dữ liệu về Trung Quốc vào ban đêm.
Mỹ ngờ vực đại gia viễn thông Trung Quốc
Trung Quốc là mối đe dọa với kinh tế Mỹ

Theo báo cáo được Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố ngày hôm qua (8/10), các hãng viễn thông Mỹ không nên hợp tác với hai công ty sản xuất thiết bị mạng lớn nhất Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE. Theo họ, việc hai công ty này chịu ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Báo cáo này sẽ khiến triển vọng kinh doanh của hai công ty trên tại Mỹ trở nên u ám. Theo Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ - Mike Rogers, nhiều công ty từng dùng thiết bị của Huawei đã thông báo về "hàng loạt trường hợp" bất thường, trong đó có việc router gửi một lượng lớn dữ liệu về Trung Quốc vào ban đêm.

Huawei bị nghi ngờ đe dọa dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: Telegraph
Huawei bị nghi ngờ đe dọa dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: Telegraph

Ủy ban này cho rằng đây là mối đe dọa an ninh dài hạn và có liên quan đến thiết bị của các công ty này. Ông Rogers cũng nhận định mối nghi ngờ này càng được củng cố khi trong suốt 11 tháng điều tra, Huawei và ZTE đều tỏ thái độ bất hợp tác. Theo ông, nếu việc công bố này có thể hạn chế những hoạt động "gián điệp mạng" của Trung Quốc - mối lo lớn nhất của Mỹ lúc này, thì đó sẽ là "điều rất tuyệt vời".

Ông cũng đề nghị Ủy ban quản lý Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) đánh giá các nguy cơ này, đồng thời chặn tất cả các thương vụ của Huawei và ZTE. Chính phủ Mỹ và công ty tư nhân nên tìm một hãng khác cung cấp thiết bị mạng. Tuy nhiên, ông cũng cho biết cảnh báo trên chỉ dành cho các thiết bị có thể xử lý dữ liệu quy mô lớn. Vì vậy, người dân không cần tẩy chay điện thoại di động của Huawei và ZTE.

Huawei là công ty sản xuất router, switch và các thiết bị viễn thông khác lớn thứ hai thế giới, sau Ericsson của Thụy Điển. ZTE xếp thứ 5 trong danh sách này.

Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng nhận được nhiều cáo buộc rằng Huawei có dính líu đến những vụ tham nhũng, hối lộ, phân biệt đối xử và vi phạm bản quyền. Những cáo buộc này sẽ được gửi lên Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Mỹ.

Báo cáo này được công bố ngay khi Huawei cân nhắc thực hiện niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đại diện hãng này cho biết: "Chúng tôi nghi ngờ mục đích duy nhất của báo cáo này là ngăn các công ty Trung Quốc thâm nhập thị trường Mỹ".

ZTE cũng gửi thông báo "phản đối mạnh mẽ" với những cáo buộc cho rằng họ hoạt động theo chỉ đạo trực tiếp của chính phủ Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo trên, Huawei và ZTE không phải là những trường hợp duy nhất đe dọa đến an ninh Mỹ. Tuy nhiên, đó là hai công ty Trung Quốc lớn nhất muốn tham gia vào thị trường thiết bị mạng quan trọng của Mỹ. Ủy ban Tình báo cũng cho rằng: "Bắc Kinh có đầy đủ phương tiện, cơ hội và động cơ" để sử dụng hai công ty này vào mục đích của mình.

Năm 2008, Huawei và công ty tư nhân Bain Capital đã bị Mỹ từ chối lời đề nghị mua hãng viễn thông 3Com vì lý do an ninh quốc gia. Năm 2011, công ty này cũng lại bị chặn thương vụ mua một số tài sản tại 3Leaf sau khi CFIUS cho rằng Huawei đã vi phạm một số điều khoản của hợp đồng.

Mỹ không phải nước đầu tiên đề phòng Huawei. Hồi tháng 3, chính phủ Australia cũng ra lệnh cấm công ty này kí kết nhiều hợp đồng cung cấp thiết bị kết nối băng thông rộng tại đây, do lo ngại an ninh quốc gia.

Cuối tháng 9, Tổng thống Mỹ Barrack Obama tuyên bố chặn thương vụ đầu tư của Ralls Corp (Trung Quốc) cũng vì lý do an ninh. Theo CFIUS, các trang trại điện gió của công ty này được xây dựng ngay cạnh không phận cấm của một căn cứ hải quân Mỹ ở bang Oregon.

Hà Thu (tổng hợp)