Còn hơn 1 năm nữa CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN(AEC) như một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề sẽ ra đời.
Hướng dẫn viên du lịch là thị trường mở đầu tiên trong AEC. Tuy nhiên, lực lượng lao động ngành nghề này đang thiếu và yếu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tuy nhiên, cho đến nay ở các trường ĐH, CĐ nước ta chưa thấy có sự chuẩn bị gì đáng kể cho sự hội nhập này.
Chưa có thông tin !
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề năm học 2013 - 2014 của ĐH Quốc gia TP.HCM là Hội nhập ASEAN. Trong buổi lễ khai khóa năm học của ĐH này diễn ra vào cuối tuần qua, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh: “Cộng đồng ASEAN sẽ cho phép người lao động di chuyển trong khu vực, điều này có nghĩa lao động Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh việc làm từ lao động các nước. Do vậy, trong lĩnh vực giáo dục ĐH, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng”. Thế nhưng theo tìm hiểu của Thanh Niên, có rất ít các trường ĐH, giảng viên, sinh viên quan tâm đến vấn đề này. Phần lớn đều tỏ ra dửng dưng, thậm chí khẳng định chưa hề biết thông tin.
|
|
Khi hỏi về thông tin AEC, đại diện nhiều trường đều tỏ ra bỡ ngỡ. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay có biết thông tin về sự hội nhập sâu rộng trong khu vực các nước Đông Nam Á sau năm 2015 trong đó có lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, hội nhập cụ thể như thế nào thì cũng chưa hay và cũng chưa thấy Bộ GD-ĐT triển khai cho các trường. Tương tự, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ: “Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với hội nhập là nhiệm vụ chung, xuyên suốt quá trình phát triển của trường. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể tập trung nâng cao chất lượng đào tạo sau 2015 thì chưa có”. Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Phó giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, cũng cho biết học viện chưa có động thái cụ thể cho việc chuẩn bị này.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tâm tư: “Điều đáng buồn nhất là thông tin báo chí nói rầm rầm về kế hoạch hội nhập nhưng các trường ĐH Việt Nam vẫn bình chân như vại. Nói đến việc hội nhập khu vực vào năm 2015 thì ai cũng biết, nhưng cần làm gì để chuẩn bị cho sự hội nhập ấy thì không trả lời được hoặc chỉ trả lời chung chung”. Trước thực trạng trên, tiến sĩ Dũng khẳng định, khi các trường chưa có sự chuẩn bị thực sự về chất lượng đào tạo thì sinh viên Việt Nam chắc chắn sẽ thua ngay trên sân nhà.
Về phía sinh viên, khái niệm về sự hội nhập càng xa xỉ. Nguyễn Thị Nga, sinh viên ngành cơ khí dệt may Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ tốt nghiệp ra trường vào năm 2016, cho biết chưa được nghe nói đến thông tin này. Nga cũng cho hay khả năng tiếng Anh hiện chỉ ở mức trung bình, giao tiếp chưa tốt và không có ý định học thêm ngoại ngữ khác. Nguyễn Văn Bình, sinh viên ngành địa chất dầu khí cũng của trường này, cho biết mới bắt đầu đăng ký học tiếng Anh cấp độ 1 khi bước vào năm thứ 3.
Lao động ngành du lịch còn thiếu và yếu
Hướng dẫn viên du lịch là thị trường mở đầu tiên trong AEC. Tuy nhiên, lực lượng lao động ngành nghề này đang thiếu và yếu.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Lửa Việt, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên TP.HCM, hằng năm Việt Nam đón khoảng 6 triệu khách quốc tế và có nửa triệu khách Việt Nam đi nước ngoài nhưng mới chỉ có 7.000 hướng dẫn viên có thẻ hướng dẫn quốc tế. Đồng thời, khách nội địa có khoảng 30 triệu lượt, tuy nhiên mới chỉ có 6.000 thẻ hướng dẫn nội địa. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành lữ hành thiếu tới 13.000 thẻ hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 thẻ hướng dẫn viên nội địa mới đáp ứng đủ nhu cầu. Tại TP.HCM, hằng năm chỉ khoảng 5.000 sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch nhưng không phải toàn bộ số đó được cấp thẻ hướng dẫn và cũng không phải ai cũng ra làm trong ngành du lịch. Do đó, thiếu hướng dẫn viên trầm trọng.
Về chất lượng lao động ngành du lịch, ông Mỹ thẳng thắn nhìn nhận: "Hiện nay chương trình đào tạo trong các trường ĐH, CĐ, TCCN về ngành du lịch quá tạp nham. Mỗi trường một kiểu, không có một chương trình thống nhất". Theo ông Mỹ, chất lượng đào tạo du lịch của Việt Nam còn thua Lào và Campuchia. "Ngoại ngữ của lao động trong ngành du lịch của ta còn quá yếu", ông Mỹ nhận định.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết khó khăn hiện nay của ngành du lịch là nguồn nhân lực yếu ngoại ngữ. “Theo khảo sát của một số công ty du lịch, có tới 30 - 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 85% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ”, ông Tuấn thông tin.
Chính các sinh viên cũng thừa nhận điểm yếu này. Bảo Vân, sinh viên năm thứ 3 ngành Việt Nam học (văn hóa - du lịch) Trường ĐH Sài Gòn, tâm sự: “Ngoại ngữ đúng là điểm yếu của tụi em. Những bạn học du lịch mà giỏi ngoại ngữ không nhiều”.
Tiếng Anh chưa đạt chuẩn
Cũng trong buổi lễ khai khóa của ĐH Quốc gia TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải tỏ ra lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt về tiếng Anh. Vì thế ông Hải căn dặn: “Khi hội nhập quốc tế, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là khả năng tiếng Anh, đồng thời là tình trạng thiếu và yếu của nguồn nhân lực có tay nghề cao. Thế hệ trẻ cần có sự chuẩn bị nghiêm túc về văn hóa, chuyên môn và kỹ năng hội nhập để có thể trở thành một công dân toàn cầu”.
Thực tế, theo đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau, sinh viên Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng, trong đó có tiếng Anh.
Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, từ năm 2009 trường đặt chuẩn đầu ra tiếng Anh ngành thấp nhất là 450 điểm TOEIC. Từ sinh viên nhập học khóa 2012 trở đi, khi tốt nghiệp phải có giấy chứng nhận hoàn thành 6 kỹ năng mềm. Tuy nhiên, thạc sĩ Tuấn thừa nhận chỉ khoảng 60 - 70% sinh viên một số chương trình chất lượng cao mới có khả năng trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh trong quá trình học tập chuyên ngành.
PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết từ học kỳ 2 năm học 2012 - 2013 trường bắt đầu thí điểm chương trình tăng cường tiếng Anh với 100 sinh viên chương trình tiên tiến và tài năng tình nguyện tham gia. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Vũ, việc học tập bằng tiếng Anh cũng chỉ mới áp dụng được với những môn học cốt lõi của chương trình tiên tiến; phải đến năm 2014 trường mới thử nghiệm giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh một số môn cơ sở ngành với chương trình đại trà.
Chuẩn đầu ra tiếng Anh với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM từ năm 2008 là B1 theo khung châu Âu. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, trong số trên dưới 2.000 lượt sinh viên dự thi mỗi đợt, chỉ có trên 30% sinh viên đạt và có tới 20 - 30% sinh viên khi tốt nghiệp không thể đạt chuẩn. Cũng như nhiều trường khác, chỉ sinh viên chương trình tiên tiến và liên kết quốc tế ở trường này mới học tập bằng tiếng Anh.
Vai trò đặc biệt của giáo dục ĐH trong hội nhập Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “AEC chỉ là một trong các trụ cột của Cộng đồng ASEAN được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020, bao gồm một loạt các hiệp định, thỏa thuận quan trọng như: Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS)... Nêu ra như vậy để thấy vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH trong quá trình hội nhập này”. Tiến sĩ Nghĩa phân tích: Hội nhập giáo dục chính là nền tảng cho mỗi nước triển khai thực hiện các thỏa thuận và hiệp định đó. Sự hội nhập, tích hợp, thậm chí phân công trong giáo dục ĐH không chỉ diễn ra trong từng nước mà sẽ là trên quy mô cả ASEAN, thể hiện trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo cho đến đầu ra, việc làm. |