Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Sự thật việc VN tụt hạng về gia công phần mềm

Ngành CNTT nội địa đang xôn xao trước Báo cáo về 100 Thành phố hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm vừa được Công ty tư vấn Tholons công bố. Năm nay, TP.HCM chỉ đứng ở vị trí số 17, trong khi Hà Nội ở vị trí 21. So với năm 2009, cả hai đại diện của Việt Nam đều tụt hạng khá nhiều (lần lượt tụt 12 và 11 bậc).

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA.
Mặc dù vậy, Tholons vẫn đánh giá tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia mạnh về cung cấp dịch vụ thuê ngoài CNTT, có tiềm năng thay thế các cường quốc gia công như Trung Quốc và Ấn Độ.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), bên lề Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012, diễn ra trong hai ngày 26-27/6 tại Hà Nội, về vấn đề này.

PV VietNamNet: - Ông nhận định thế nào về sự tụt hạng của TP.HCM và Hà Nội trong Báo cáo Tholons? Đây có phải là một tín hiệu đáng lo ngại cho nền gia công thô của Việt Nam hay không?

Ông Trương Gia Bình: Thực ra chúng ta tụt hạng không có nghĩa là chúng ta giậm chân tại chỗ, chúng ta không phát triển. Vấn đề là các nước khác họ cũng phấn đấu, cũng nỗ lực rất nhiều và họ tiến nhanh hơn chúng ta. Đây chính là thách thức rất lớn cho Việt Nam.

Một vấn đề nữa mà tôi muốn đề cập ở đây, là tuy chúng ta vẫn là thị trường outsource có giá tốt nhất trên thế giới (điều này đã được ghi nhận một cách rõ ràng), nhưng chúng ta lại thiếu nguồn nhân lực gia công một cách đáng tiếc.

Tôi tạm so sánh thế này, một thành phố của những quốc gia outsource hàng đầu đào tạo được 3 vạn nhân lực mới mỗi năm, trong khi cả Việt Nam chỉ có đầu ra 4000 người/năm. Nói cách khác, các nước đối thủ họ tiến nhanh như vậy, nếu chúng ta không tự quyết liệt lên thì khó tránh khỏi tụt hạng.

- Trong Báo cáo của Tholons có nhắc đến giá trị 5,59 tỷ USD xuất khẩu phần mềm của Hà Nội. Ông có bình luận gì về con số này?

Tôi không nghĩ con số này chính xác. Chúng ta chưa có quy mô lớn đến như vậy.

- Cá nhân ông, với cương vị Chủ tịch VINASA kiêm lãnh đạo doanh nghiệp, nhận thấy tình hình thực tế của công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT nội hiện nay ra sao? Mức độ khó khăn đến đâu?

- Bên cạnh yếu tố vĩ mô là kinh tế khó khăn, thì bản thân nhiều công ty đang khó khăn, thậm chí phá sản là vì họ không có sức cạnh tranh. Chi phí cao, giá thành cao, khả năng thích ứng lại chưa tốt.

Tuy nhiên, nhận định chung thì những Doanh nghiệp nằm trong khối xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng, vì họ có năng lực cạnh tranh thực tế trong lĩnh vực gia công phần mềm. Những doanh nghiệp làm dịch vụ, theo tôi sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng. Chỉ những doanh nghiệp liên quan đến phần cứng, bán lẻ thì mới khó khăn nhiều.

- Các doanh nghiệp CNTT lớn, trong đó có cả FPT, đều than thở rất nhiều về bài toán nhân lực. Tuy nhiên dường như chúng ta vẫn chưa có được một giải pháp nào thực sự “tối hậu”?

- Cái này là hệ quả của cả một giai đoạn phát triển bong bóng thời gian vừa qua. Tất cả mọi người đều nghĩ phải chọn con đường làm giàu dễ nhất. Hãy đến với ngân hàng, bất động sản… Đó đều là những lĩnh vực phi sản xuất, nhưng một nguồn lớn tài năng đã bị kéo vào giá trị ảo đó. Trong khi Báo cáo của Chủ tịch Liên minh CNTT thế giới đã khẳng định, hướng đi đúng lẽ ra phải là chuyển từ tiêu dùng sang sản xuất. Nghĩa là chúng ta phải sản xuất, phải tạo ra giá trị thực. Đây là một vấn đề mà giới trẻ Việt Nam, các gia đình và ngay cả Chính phủ cũng cần nhìn nhận lại.

Có một thực tế nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là, thị trường đang lớn hơn năng lực cung cấp của chúng ta. Chỉ đơn cử như ở FPT, một năm chúng tôi dự kiến tuyển trên 1000 người, thế nhưng không bao giờ tuyển được đủ chỉ tiêu, thường xuyên thiếu khoảng 300 người.

- Xin cám ơn ông!

  • Y Lam