Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Kỳ thi ĐGNL: Tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh vào ngành hot, trường Top

Phát biểu tại Hội thảo “Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM: Quá trình xây dựng, kết quả thực hiện và định hướng phát triển” do ĐHQG-HCM tổ chức ngày 18/11, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã có nhiều nhận định, phân tích xác đáng về các phương thức tuyển sinh của các trường đại học hiện nay. Website ĐHQG-HCM xin trân trọng giới thiệu phần lược trích các phân tích về kỳ thi ĐGNL của TS Nguyễn Đức Nghĩa để quý độc giả hiểu rõ hơn về quy mô và chất lượng của kỳ thi này.

Từ năm 2017, công tác tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) trên cả nước khá ổn định với 5 phương thức xét tuyển chính. Đến năm 2019, phương thức dùng kết quả của kỳ thi riêng, đặc biệt là kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã trở thành phương thức quan trọng thứ ba tính theo số lượng thí sinh dự thi và số lượng các trường ĐH dùng chung kết quả để xét tuyển.

Một số trường ĐH có tổ chức thêm kỳ thi ĐGNL để xét tuyển thí sinh như Trường ĐH Luật TPHCM (đã dừng tổ chức từ năm 2020), Trường ĐH FPT, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà nội... Từ năm 2020, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM đã trở thành phương thức quan trọng thứ ba sau 2 phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển dựa vào học bạ THPT về số trường ĐH sử dụng làm phương thức xét tuyển và số lượng thí sinh dự thi để lấy kết quả xét tuyển.

Những yếu tố đã nâng tầm quan trọng của kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM chính là kỳ thi ĐGNL hội đủ 3 yếu tố mà hiện chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT đang có được.

Một, tổ chức thi - tổ chức nhiều cụm thi.

Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM với các kỳ thi riêng của các trường ĐH khác, kể cả kỳ thi ĐGNL năm 2021 của ĐHQG Hà Nội (Kỳ thi ĐGNL 2021 của ĐHQG Hà Nội chỉ tổ chức ở Hà Nội). Điều này rất quan trọng, nhất là khi thí sinh làm bài trên giấy, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không phải di chuyển quá xa khi dự thi. Số tỉnh, thành phố có học sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐGNL tăng dần hằng năm (năm 2019 có 43 tỉnh, thành phố; năm 2020 là 53 và năm 2021 là 56. Năm 2019 chỉ có 29 tỉnh, thành phố có hơn 100 thí sinh ĐKDT, đến năm 2020 con số này tăng lên 33 và năm 2021 là 34.

Đồng thời, việc ĐKDT được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Một đặc điểm lớn của kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM mà không kỳ thi nào khác có được là số lượng và tỷ lệ học sinh các trường chuyên và trường THPT lớn tại các địa phương tham gia rất cao. Năm 2019 có 888 trường THPT có học sinh ĐKDT, năm 2020 con số này lên đến 1237 trường THPT và năm 2021 là 1398 trường, trong đó có 217 trường THPT có hơn 100 học sinh ĐKDT (năm 2020 chỉ có 134 trường).

Điểm tích cực đáng lưu ý là phần lớn những trường có đông học sinh ĐKDT (và cũng có tỷ lệ học sinh ĐKDT/tổng số học sinh của trường cao) là những trường chuyên và những trường có kết quả thi THPT tốt trong những năm vừa qua. Có khoảng 80 trường THPT có số học sinh ĐKDT ĐGNL chiếm từ 50% tổng số học sinh của trường. Nhiều địa phương có tỷ lệ học sinh ĐKDT chiếm hơn 25% học sinh của địa phương như TP.HCM, Bình Dương…

Hai, đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM đã ổn định ngay từ những năm đầu tiên khi phổ điểm thi của các năm 2018, 2019, 2020 đều có phân bố chuẩn và đồng dạng với nhau. Đề thi đạt yêu cầu về độ khó, độ phân hóa để sử dụng xét tuyển chính xác.

Ba, công tác xét tuyển. 

Số lượng trường ĐH (và cả CĐ) sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL tăng hằng năm (2019: 40 trường ĐH, CĐ; 2020: hơn 60 trường và 2021 có hơn 70 trường). Nhiều trường ĐH công lập lớn cũng xét tuyển thí sinh theo kết quả thi ĐGNL như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng... Một số trường ĐH ngoài ĐHQG-HCM cũng dành tỷ lệ chỉ tiêu khá lớn cho xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL như Trường ĐH Nha Trang (25%), Trường ĐH Tài chính - Marketing (15%)… Các trường thành viên ĐHQG-HCM cũng tăng dần tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL. Năm 2021, Trường ĐH Bách Khoa xét tuyển đến 70% chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học tự nhiên đến 60%; Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đến 50%.

Việc tuyển sinh theo học bạ THPT khá thuận lợi về thủ tục ĐKXT cho học sinh và cũng là nguồn tuyển khá lớn cho nhiều trường ĐH, tuy nhiên mức độ trúng tuyển ảo của phương thức này rất cao, chưa kể chất lượng thí sinh đầu vào không tốt bằng xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong bối cảnh đó, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM ngày càng trở nên quan trọng cho thí sinh và cho các trường ĐH. Đối với thí sinh, kỳ thi ĐGNL tăng thêm cơ hội xét tuyển cho thí sinh, đặc biệt khi thí sinh xét tuyển vào những ngành, những trường có đông thí sinh tham gia xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Đối với các trường ĐH, xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL của ĐHQG-HCM không chỉ tăng thêm nguồn tuyển mà còn là nguồn tuyển có chất lượng.

Nguồn: TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://bom.to/UMgFbU

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin