Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Trở thành Đại sứ Văn hóa đọc UIT năm 2021 là điều em chưa bao giờ nghĩ đến

Trở thành Đại sứ Văn hóa đọc UIT năm 2021 là điều em chưa bao giờ nghĩ đến! Khi bắt đầu viết bài tham gia cuộc thi em chỉ nghĩ, qua đây em có thể chia sẻ và truyền những cảm hứng tích cực đến các bạn sinh viên khác trong việc học tập và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, UIT cũng có rất nhiều bạn có kỹ năng và viết khá tốt, khi biết tin mình đạt giải Nhất em rất bất ngờ và vô cùng hạnh phúc. Em mong các bạn sẽ tự tin tham gia cuộc thi vào năm sau (nếu có) để lan tỏa những giá trị của việc đọc sách, những điều học được từ sách để các bạn sinh viên khác thêm yêu quý và tận dụng được giá trị cao quý của tri thức do sách mang lại áp dụng vào cuộc sống. Bạn Võ Hoàng Thông chia sẻ.

Võ Hoàng Thông, sinh viên lớp Khoa học dữ liệu khóa 2018, Trường Đại học Công nghệ Thông tin đạt giải Nhất Đại sứ Văn hóa đọc UIT năm 2021 với bài viết “Cú sốc mang tên Đại học” và kỹ năng giúp tôi học tập hiệu quả.

Cũng như bao bạn sinh viên khi mới chập chững bước vào giảng đường đại học, tôi phải đối mặt với rất nhiều áp lực và những khó khăn. Từ việc sống xa gia đình, phải tự lập, tìm cách hòa nhập môi trường học tập mới.

Ngày đầu tiên đến trường, tôi háo hức, cảm thấy rất vui vì đại học sẽ là nơi chắp cánh cho những ước mơ về môi trường học thuật “cởi mở”, đề cao sự sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng tìm kiếm và phát minh cái mới. Tuy nhiên, nhiều thứ đã không diễn ra như tôi hằng tưởng tượng, và dường như chống lại những thành tích và niềm kiêu hãnh tôi có từ thời phổ thông. Xuất phát điểm tốt ở cấp ba chỉ giúp tôi có một khởi đầu tốt nhưng tôi dần nhận ra sự bền bỉ mới là quan trọng nhất. Quản lý thời gian không hiệu quả, đặt mục tiêu nhưng không có khả năng hiện thực hóa, cách học bị động, và sự vô kỷ luật của bản thân đã khiến điểm số của tôi lao dốc nghiêm trọng với GPA dao động trong khoảng 6.0 - 7.0 năm đầu đại học; tôi rớt liền hai môn “Xác suất thống kê” và ngày thi cuối kỳ môn “Lập trình hướng đối tượng”, vì biết có đi thi thì mình cũng rớt nên tôi đã ngủ qua giờ thi. Tôi dần tự ti và chán nản với việc học của mình. Tình cờ, tôi đọc được bài viết giới thiệu về nội dung một quyển sách của đàn anh chung trường giới thiệu. Quyển sách ấy đã thôi thúc tôi tìm đọc và nó đã thay đổi hoàn toàn “tư duy” của tôi về cách học tập và những thứ trong cuộc sống đại học. Đó là quyển “Tỏa sáng ở trường Đại học” do Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc làm chủ biên. Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Nhà phát hành: First News - Trí Việt.

Có thể ví von quyển sách ấy như“ánh sáng le lói cuối đường hầm” vậy. Không quá muộn để bắt đầu, tôi dần cải thiện GPA, học lại hai môn rớt, với “Xác suất Thống kê” tôi đạt điểm trung bình tuyệt đối 10.0 và cuối kỳ trên 8.0 với môn “Lập trình hướng đối tượng”. Các học kỳ tiếp theo, tôi duy trì GPA trung bình đều đặn 8.0, học kỳ gần nhất điểm trung bình của tôi lọt top 10% của lớp. Bên cạnh đó, tôi còn là đồng tác giả của đề tài nghiên cứu khoa học được đăng tại một Hội nghị quốc tế. Bạn có biết, tôi đã thực hiện những điều trên như thế nào không? Tất cả là từ những chia sẻ trong quyển sách mà tôi đọc được.

Với 12 chương của sách “Tỏa sáng ở trường Đại học” trong vỏn vẹn 276 trang, là tập hợp những bài viết chia sẻ kỹ năng học tập, rèn luyện cho sinh viên của những tác giả từng là sinh viên giỏi và giảng viên đại học; từng chương đã đi sâu vào phân tích những chủ đề riêng biệt, từ giới thiệu tổng thể về môi trường đại học, cách nhận ra điểm mạnh và yếu của mình, cách luyện tập thói quen hữu ích trong học tập, phương pháp ghi nhớ nội dung bằng sơ đồ tư duy... đã giúp ích tôi rất nhiều trong việc hoạch định và lên kế hoạch để hòa nhập vào môi trường đại học một cách tốt nhất.

Tôi cảm nhận sách có nội dung hay dành cho sinh viên, bởi nó đề cập nhiều vấn đề sinh viên hay gặp phải, từ phương pháp học tập như thế nào là hiệu quả đến việc chia sẻ những kinh nghiệm rèn luyện các kỹ năng hỗ trợ, làm sao để có học bổng, có rất nhiều giải pháp giải quyết các vấn đề của sinh viên. Bên cạnh đó, sách đã cho tôi biết làm thế nào để học hỏi và rèn luyện các kỹ năng mềm, học ngoại ngữ, tự học, v,v… và nhiều câu hỏi “có nên vừa học vừa làm?” “Có nên tham gia hoạt động phong trào?” được giải quyết ổn thỏa. Tôi bắt đầu vận dụng và có những thay đổi đáng kể.

Hãy một mục tiêu làm kim chỉ nam trong cuộc sống

Kim chỉ nam giống như một cái la bàn, giúp tôi định hướng và tìm lại đường đi mỗi khi chệch hướng khỏi quỹ đạo. Tôi dành thời gian suy nghĩ rất nhiều về bản thân từ những thất bại trước đó. Một trong những phương pháp tôi đúc kết được thông qua những trải nghiệm cá nhân và cuốn sách “Tỏa sáng ở trường đại học” đã được tôi áp dụng để hiểu rõ bản thân mình và đặt những mục tiêu thích hợp với định hướng trong tương lai là cách đặt câu hỏi.

Trong một nghiên cứu có chỉ ra, những người viết những mục tiêu của mình ra giấy có xác suất hiện thực hóa nó cao hơn so với việc chỉ nghĩ nó trong đầu và những người hành động nó mỗi ngày kể từ khi viết ra giấy sẽ có khả năng thực hiện những câu hỏi đó theo những mốc thời gian đã đề ra.

Bắt đầu vào thời điểm hai mươi năm tính từ bây giờ. Lúc đó tôi mong ước sẽ đạt được những mục tiêu nào?

Tôi sẽ cần phải hoàn thành những gì trong năm năm để có thể đạt được những mục tiêu mà tôi đã đặt ra cho hai mươi năm tới?

Để đạt được những mục tiêu trong năm năm nữa thì tôi sẽ cần phải đạt được những gì trong sáu tháng tới?

Và cuối cùng, là mục tiêu tôi cần làm trong tuần tới để đạt được những gì trong sáu tháng tới?

Viết ra thôi thì chưa đủ để tôi có thể hiện thực hóa những mục tiêu đó. Tôi cần có một kế hoạch. Những bản thảo chi tiết đầu tiên cho kế hoạch 10 năm được tôi vạch ra. Tôi tham khảo bài viết để phác thảo kế hoạch cho bản thân mình: “Làm thế nào để đặt mục tiêu hiệu quả và có tầm nhìn?

Xây dựng những thói quen tốt

Thói quen là những hành động thường xuyên được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống. Chính những thói quen đó hình thành nên tính cách của chúng ta - thói quen tính cực hay tiêu cực sẽ tạo nên tính cách tương ứng.

Hết năm nhất, tôi bắt đầu thay đổi một số thói quen của mình, đến trường đều đặn ở các buổi học, ngồi ở vị trí đầu bàn và thường xuyên trao đổi với thầy cô những điều mình thắc mắc hay không hiểu rõ. Ngoài ra, tôi sử dụng công cụ Google Calendar để lập thời khóa biểu, các mốc thời gian như deadlines giữa kỳ, cuối kỳ, bài tập hằng tuần, những khoảng thời gian mà tôi giải trí. Bên cạnh đó, tôi kết hợp sử dụng ma trận eisenhower để sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc của mình theo tiêu chí việc khẩn cấp và quan trọng.

Phương pháp học tập hiệu quả

Đối với tôi, việc học tập có phương pháp sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Nhờ vậy, tôi dùng thời gian hiệu quả hơn để làm những việc khác cũng như tối ưu hóa thời gian của mình. Tôi đã sử dụng phương pháp học tập P.O.W.E.R của giáo sư Robert Feldman thuộc Đại học Massachusetts.

 Prepare: Chuẩn bị cho việc học: Đọc trước giáo trình, vào thư viện, lên mạng internet tìm những tài liệu liên quan đến môn học. Sau đó, tìm ra những câu hỏi, những điều còn thắc mắc từ giáo trình, tài liệu để nhờ giảng viên giải thích.

Tổ chức việc học: Mỗi người sẽ phù hợp với không gian học tập, tiếp thu kiến thức và cách học khác nhau. Bạn thử trả lời những câu hỏi tôi trình bày phía dưới để xem mình phù hợp với việc tổ chức học tập như thế nào?

  • Tìm nơi mà bản thân học hiệu quả nhất? (Ở trường, ở nhà, ở quán cà phê/ trà sữa, hay ở thư viện?)

  • Bạn tiếp thu hiệu quả khi ngồi học một mình hay cùng bạn học nhóm?

  • Bạn muốn nắm lý thuyết rồi mới xử lý bài tập hay vừa làm bài tập vừa tiếp thu lý thuyết ? Tôi nghĩ việc tìm được cách thức tổ chức việc học phù hợp với bản thân giúp chúng ta tối đa hóa khả năng học tập của mình. Từ đó, công việc học tập được xử lý và mang lại nhiều kết quả tốt.

Work: Thực hiện việc học: Học, hỏi và thực hành là cách tốt nhất để xử lý các kiến thức có được từ việc nghe giảng thầy cô, ghi chú bài giảng, tham khảo tài liệu hoặc làm bài tập tại lớp, thuyết trình hoặc tham gia thảo luận tại lớp, tra cứu thông tin, thu thập và xử lý dữ liệu, thực hành thí nghiệm, đi thực tập.

Evaluate: Đánh giá hiệu quả việc học: Điểm số chính là một trong những thước đo nói lên hiệu quả của việc học. Người đánh giá chính là giảng viên thông qua các bài kiểm tra, bài tập, bài thực hành và các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điểm số không phản ánh tất cả năng lực của việc học tập hiệu quả. Nếu có thể, hãy nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tự đánh giá mình một cách liên tục và trung thực. Chẳng hạn bằng việc đặt câu hỏi và phát biểu trong lớp cũng là cách tôi kiểm tra xem mình có hiểu bài hay không? Ngoài ra, cũng có thể lắng nghe nhận xét thẳng thắn từ giảng viên và bạn bè về việc học của chính mình?

Rethink: Tái tạo tư duy: Tái tạo tư duy chính là tái tạo năng lượng cho não bộ tiếp tục chu kỳ P.O.W.E.R mới. Cùng một nội dung về định nghĩa A, tôi sẽ tìm đọc những tài liệu khác nhau về định nghĩa A này. Qua đó sẽ có nhiều góc nhìn và tiếp cận ở những khía cạnh khác nhau hay mọi người thường gọi bằng cái tên là tư duy phản biện (critical thinking).

Học hành là một quá trình tiêu tốn rất nhiều năng lượng tinh thần và thể chất. Hãy có một thú vui để thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Với tôi, chạy bộ là môn thể thao tôi chọn để giải trí sau những giờ học tập. Chỉ với một đôi giày và một địa hình chạy hợp lý, tôi đã có thể luyện tập một cách dễ dàng.

Đại học là môi trường đa dạng đòi hỏi sinh viên sự chủ động rất lớn. Trong đó, khả năng tự học và làm việc nhóm là hai kỹ năng quan trọng nhất. Với tôi, nhận thấy thông điệp từ quyển sách “Đến trường là hạnh phúc!” khi thấu hiểu chân lý đó và tận dụng hết sức trẻ với những phương pháp đúng đắn nhất để gặt hái được nhiều thành quả trên con đường thu nạp kiến thức.


 

Nội dung một phần bài viết trên tôi học được từ quyển sách “Tỏa sáng ở trường Đại học”, quyển sách đã ảnh hưởng và giúp tôi rất nhiều trong việc học tập và cuộc sống ở mái trường UIT. Và nó đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của tôi trong suốt chặng đường ngồi trên ghế giảng đường đại học. Và tôi mong quyển sách sẽ lan tỏa tích cực đến nhiều bạn sinh viên khác trong tương lai.

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/lib.uit.vn

 

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin