Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

13.000 tỷ đồng phát triển nhân lực trình độ cao

8 "siêu dự án"

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, sẽ có 8 dự án dự kiến sử dụng khoảng 13.000 tỷ đồng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho KHCN.

Sẽ có nhiều đãi ngộ cho những nhà khoa học giỏi.
Sẽ có nhiều đãi ngộ cho những nhà khoa học giỏi

Cụ thể:

Dự án 1: Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trình độ tiến sỹ trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên. 

Mỗi năm đào tạo 300 cán bộ khoa học và công nghệ trình độ tiến sĩ trong 4 lĩnh vực công nghệ ưu tiên, tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu trong nước và nước ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để đào tạo.

 Kinh phí thực hiện dự án là 210 tỷ đồng/năm.

 

Dự án 2: Nghiên cứu sau tiến sĩ.

 Mỗi năm tuyển chọn và cấp học bổng cho 120 tiến sĩ bảo vệ luận án xuất sắc trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. 

Kinh phí thực hiện dự án là 58 tỷ đồng/năm.

 

Dự án 3: Đào tạo theo ê kíp trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên. 

Tuyển chọn và cấp kinh phí cho 200 - 230 nhóm nghiên cứu tham gia đào tạo theo ê kíp ở nước ngoài trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Kinh phí thực hiện dự án là 100 tỷ đồng/năm.

 

Dự án 4: Hỗ trợ các nhà khoa học trẻ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN tiềm năng . 

Hàng năm lựa chọn và cấp kinh phí cho 150 nhà khoa học trẻ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN tiềm năng trong các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước và các chương trình quốc gia khác. Kinh phí thực hiện dự án là 150 tỷ đồng/năm.

 

Dự án 5: Tuyển chọn, bồi dưỡng và sát hạch kỹ sư đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng và sát hạch 10.000 kỹ sư đạt tiêu chuẩn quốc tế để đội ngũ này có đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước. 

Kinh phí thực hiện dự án là 150 tỷ đồng/năm.

 

Dự án 6: Xây dựng các viện nghiên cứu tiên tiến và trung tâm nghiên cứu xuất sắc để tạo môi trường hoạt động cho các nhà khoa học đầu ngành

Thành lập mới hoặc nâng cấp một số tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện có để đến năm 2020 hình thành 25 viện nghiên cứu tiên tiến, trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo tiêu chuẩn quốc tế trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, do các nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở trong nước hoặc nước ngoài giữ vị trí lãnh đạo khoa học, để tạo môi trường cho các nhà khoa học đầu ngành phát huy khả năng sáng tạo.

Kinh phí thực hiện dự án gồm 2 phần: từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển là 3.500 tỷ đồngvà từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cho hoạt động thường xuyên là 700 tỷ đồng/năm.

 

Dự án 7: Xác định và giao các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia cho các tổng công trình sư thực hiện. 

Xác định và giao các nhiệm vụ (chương trình, dự án kinh tế- kỹ thuật) trọng điểm quốc gia cho các tổng công trình sư phát huy tài năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Kinh phí thực hiện dự án được cấp theo yêu cầu và tiến độ của các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia.

 

Dự án 8: Hình thành và trao Giải thưởng nghiên cứu Quốc gia cho nhà khoa học đầu ngành có thành tích đặc biệt xuất sắc.

 Xây dựng Giải thưởng nghiên cứu Quốc gia. Thông qua giải thưởng, hàng năm cấp kinh phí cho 2 - 4 nhà khoa học được bình chọn là nhà khoa học đầu ngành có thành tích đặc biệt xuất sắc để họ chủ động phát triển các hướng nghiên cứu của mình.

Kinh phí thực hiện dự án là 30 - 60 tỷ đồng/năm.

Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 13.000 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học  và từ các nguồn huy động hợp pháp khác.

Đạt được gì?

Mục tiêu của đề án này là đến năm 2020 đào tạo và thu hút được 130 nhà khoa học đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có 20 nhà khoa học đầu ngành đạt trình độ quốc tế; 20 tổng công trình sư, 1.000 kỹ sư trưởng.

Đến năm 2020 đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức sát hạch được 10.000 kỹ sư đạt chuẩn quốc tế. Mỗi năm đào tạo 300 cán bộ khoa học và công nghệ trình độ tiến sỹ trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên; tuyển chọn và cử 120 tiến sỹ tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ ở trong nước và nước ngoài; đào tạo 150 nhà khoa học trẻ thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng để tạo nguồn phát triển nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao.

Đến năm 2020 hình thành 25 viện nghiên cứu tiên tiến, trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên do các nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở trong nước hoặc nước ngoài giữ vị trí lãnh đạo khoa học

Mong được dân góp ý

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho biết, nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và một số văn kiện khác của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực KH&CN trình độ cao và trình Chính phủ phê duyệt vào cuối Quý II năm 2013.

Hiện nay, dự thảo đề án và các tài liệu, thông tin chi tiết liên quan được công bố trên trang điện tử của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (tại www.nistpass.gov.vn) để công chúng có thể tìm hiểu, nghiên cứu, và góp ý trực tiếp. Đồng thời, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN sẽ liên lạc trực tiếp qua thư điện tử xin ý kiến từ các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước.

Thư góp ý có thể gửi qua email: toasoan@vietq.vn.

Minh Châu