Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Bí thư Đinh La Thăng: Giáo dục đào tạo phải theo thị trường

Sáng 7-6, lãnh đạo TP.HCM và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp bàn về phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM.

 

Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sáng 7-6 - Ảnh: THUẬN THẮNG

 

Tham dự hội nghị có ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy; ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của TP.HCM.

Về phía Bộ GD-ĐT có ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng và nhiều lãnh đạo các cục, vụ, cơ quan của bộ.

 

Áp lực tăng dân số làm giảm chất lượng giáo dục

Báo cáo tình hình giáo dục TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo của TP đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Tuy nhiên, do đặc thù là một thành phố lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000 học sinh/năm, tức mỗi năm bình quân cần xây mới gần 3.000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn.

 

Đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 học sinh, là áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học, tổ chức cho học sinh học tập sinh hoạt cả ngày trong trường và việc xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ… nên đã phát sinh một số vấn đề khó khăn, cụ thể:

 

Đối với giáo dục mầm non, nhu cầu giữ trẻ của người dân thành phố rất cao, đặc biệt công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải gửi con ngoài giờ, gửi cả ngày nghỉ, tuy nhiên hiện nay ngành vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ.

 

Bí thư Đinh La Thăng: Giáo dục đào tạo phải theo thị trường
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù cho giáo dục - Ảnh: THUẬN THẮNG

 

Kiến nghị giao quyền cho TP công nhận tốt nghiệp THPT

Để đạt được mục tiêu trên, Sở GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép ngành giáo dục và đào tạo TP cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, trước mắt đề xuất một số nội dung cụ thể:

 

1.1 Cho phép TP tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (văn - tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.

 

1.2. Cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.

 

1.3.  Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.

 

1.4. Giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi toàn quốc.

 

1.5. Tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo 4 kỹ năng Nghe - Đọc - Nói - Viết (không xét việc hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay)

 

1.6. Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…)

 

2. Giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh... 

 

Bí thư Đinh La Thăng: Giáo dục đào tạo phải theo thị trường
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu các vấn đề bất cập của giáo dục với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo - Ảnh: THUẬN THẮNG

 

Bí thư Thăng: Dứt khoát không dạy thêm, học thêm 

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng TP.HCM là đô thị đặc biệt với 13 triệu dân, nếu cơ chế chính sách gì về giáo dục đào tạo thực hiện tại TP.HCM thành công thì nhân rộng cả nước cũng sẽ thành công. Trung ương đã cho phép TP thực hiện cơ chế thí điểm đối với những việc luật chưa quy định hoặc lỗi thời. Giáo dục TP.HCM phải đi đầu trong hội nhập.

Bí thư Thăng nói: “Những gì liên quan đến cơ chế chính sách, mô hình, khi quyết định phải dựa trên định hướng khoa học về giáo dục đào tạo, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một cá nhân nào”.

 

Bí thư Đinh La Thăng: Giáo dục đào tạo phải theo thị trường
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng nêu các vấn đề bất cập của giáo dục với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo - Ảnh: THUẬN THẮNG

 

Đồng thời ông Thăng đề nghị đất nước đang hội nhập, phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, giáo dục đào tạo cũng phải theo thị trường. TP.HCM có đặc trưng văn hóa Nam bộ, giáo dục của TP phải tiếp tục xây dựng đặc trưng bản sắc của TP. Các chương trình giáo dục phải xây dựng được cho học sinh, sinh viên lý tưởng tạo nên sự nghiệp cho bản thân; xây dựng nền tảng gia đình và đóng góp cho xã hội.

 

“Để thực hiện đề án giáo dục này phải có thời gian lâu dài, nhưng cái gì cần phải làm ngay. Dứt khoát bỏ dạy thêm học thêm. Các trường quốc tế không dạy thêm học thêm học trò vẫn giỏi, đầu vào tốt, học phí cao vẫn nhiều người học. Còn việc phụ đạo cho học sinh yếu, TP thành lập các trung tâm: mở thêm danh mục đào tạo, ai có nhu cầu dạy và học thì đến đăng ký. Tuyệt đối không được mở các lớp dạy thêm học thêm trong trường” - Bí thư Thăng nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, bí thư Thăng cũng đề nghị phải thực hiện xã hội hóa giáo dục đào tạo trong điều kiện nước XHCN. Đối với người nghèo có thể bao cấp chuyện học hành, các đối tượng khác phải theo thị trường. Không phân biệt trường công, trường tư.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc xây dựng đề án giáo dục theo yêu cầu hội nhập phải hướng đến hội nhập, xác định hệ thống hạ tầng trường lớp phải đạt chuẩn quốc tế. “Việc này không thể làm ngày một ngày hai nhưng phải kiên quyết làm từ nay đến năm 2020. Thời gian vừa qua có những việc chúng ta chạy theo thành tích. Tại sao bằng cấp của nước ta cấp cho sinh viên không được các nước công nhận? Có phải chuẩn chất giáo dục của ta có vấn đề?” - ông Phong nói.

 

Ông Phong cho rằng TP.HCM hiện đang có hơn 8.000 giáo sư, tiến sĩ, nếu không phát huy được nguồn lực tri thức này thì TP này sẽ không trở thành văn minh, hiện đại được. Đồng thời ông cũng cho biết thêm TP.HCM sẽ hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH do chủ tịch UBND TP làm chủ tịch hội đồng để xác định các trường đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tổ chức không gian các trường ĐH hợp lý hơn; phát huy cơ chế đặt hàng các chuyên gia tham gia giải quyết các vấn đề của TP.

 

Bộ đề ghị TP.HCM có đề án tổng thể phát triển giáo dục 

Phát biểu kết luận hội nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục đào tạo có nhiều vấn đề, một trong nhóm nguyên nhân tạo ra các vấn đề này là do vướng cơ chế chính sách. Ông Nhạ đề nghị TP.HCM phải có đề án tổng thể phát triển giáo dục đào tạo của TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2035. Tất cả những vấn đề ngành giáo dục đang vướng phải được thể hiện rõ nét trong đề án này.

 

Bí thư Đinh La Thăng: Giáo dục đào tạo phải theo thị trường
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG

 

“Trong đó, chú ý việc quy hoạch các trường ĐH, Bộ GD-ĐT, ủng hộ chủ trương di dời các trường ĐH ra ngoại thành. Bộ GD-ĐT sẽ cùng với TP hoàn chỉnh các quy định hiện hành để phù hợp xu hướng hội nhập (gắn với thị trường lao động, đổi mới chương trình, giảm tải…) và thực hiện phân cấp, phân quyền cho TP. Trách nhiệm của TP phải chủ động trong việc xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục” - ông Nhạ đề nghị.

 

Trong số11 đề xuất của Chủ tịch TP.HCM với Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết về cơ bản ông đồng ý chủ trương những đề xuất này. Trong đó, có việc giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ trưởng cũng đề nghị TP mạnh dạn giảm tải, mạnh dạn cấm dạy thêm, học thêm và bộ sẽ thực hiện chủ trương này trên phạm vi cả nước.

 

“Việc giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh... về nguyên tắc tôi cũng đồng ý nhưng phải đảm bảo chất lượng. Tôi khuyến khích các trường ĐH, CĐ, TCCN nghiên cứu chọn lựa chương trình tốt của nước ngoài để nhập khẩu đào tạo” - ông Nhạ nói.

4 mục tiêu của ngành giáo dục TP.HCM

Định hướng đến năm 2020, TP.HCM đặt ra mục tiêu đạt được cụ thể của mỗi học sinh:

- Được học tập và hoạt động cả ngày trong trường.

- Được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu.

- Có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Có thể chơi được ít nhất một môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống.   

 

Nguồn: tuoitre.vn