Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Chúc mừng nhóm sinh viên ngành An toàn thông tin đã có công trình nghiên cứu được chấp nhận đăng tại Kỷ yếu Hội nghị FAIR2022 

Chúc mừng nhóm sinh viên ngành An toàn thông tin - Khoa Mạng máy tính & Truyền thông, Văn Đoàn Bảo Khôi và Phạm Nguyễn Thảo Nhi, nhóm nghiên cứu InSecLab đã có công trình nghiên cứu được chấp nhận đăng tại Kỷ yếu Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ XV - Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin (FAIR2022). Hội nghị FAIR2022 năm nay được tổ chức với chủ đề chính "An toàn và bảo mật thông tin trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV" tại Học viện Kỹ thuật Mật mã, Hà Nội vào hai ngày 03-04.11.2022 sắp tới.

Bài báo: "Chiến lược giăng bẫy thích ứng phục vụ phòng thủ chủ động trong mạng khả lập trình" được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên TS. Phạm Văn Hậu và ThS. Phan Thế Duy. Đây là đề tài nghiên cứu được Bảo Khôi  và Thảo Nhi (sinh viên ngành An toàn thông tin) thực hiện dưới sự hướng dẫn của 2 thầy trong thời gian bạn tham gia nghiên cứu về Kỹ thuật giăng bẫy, dưới góc nhìn an toàn, bảo mật thông tin tại Phòng thí nghiệm An toàn thông tin (InSecLab).

Tóm tắt nội dung bài báo: Ngày nay, công nghệ thông tin đang phát triển với nhiều tiến bộ vượt bậc, bên cạnh những mặt tích cực và lợi ích to lớn mà xã hội thông tin mang lại cho nhân loại thì vẫn còn tồn tại những thách thức như: các nguy cơ tấn công mạng nhằm phá hoại hệ thống, nguy cơ bị đánh cắp thông tin “nhạy cảm” của các tổ chức cá nhân. Để ngăn chặn những nguy cơ này, đòi hỏi các cơ quan tổ chức doanh nghiệp phải tổ chức xây dựng các hệ thống an minh mạng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng. Trong số các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho hệ thống mạng, Honeypot và Honeynet được coi là một trong những giải pháp hết sức hiệu quả. Đối với các kẻ tấn công thì hệ thống này là những “cạm bẫy đáng sợ” do chúng có thể bị theo dõi, lần theo dấu vết mà không có sự nhận biết nào. Cho nên, nghiên cứu này đưa ra phương pháp giải quyết bao gồm thiết lập nền tảng giăng bẫy phục vụ phòng thủ chủ động dựa trên nguyên lý khả lập trình, linh hoạt điều khiển của mạng Software Defined Networking (SDN) cho ngữ cảnh mạng có kích thước lớn như IoT, nhằm phát hiện, giảm thiểu rủi ro từ các cuộc tấn công mạng và từ đó đưa ra giải pháp bảo mật một cách tốt nhất có thể. Cuối cùng, mô hình được hiện thực và thực nghiệm với các kịch bản tấn công khác nhau đã cho thấy mô hình đề xuất của chúng tôi có thể phát hiện và chống lại các cuộc tấn công DDOS, XSS một cách hiệu quả.

Hội nghị khoa học quốc gia về "Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin" (Hội nghị FAIR) được tổ chức thường niên dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cũng như của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; qua đó góp phần thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về Công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Thông tin chi tiết: https://www.facebook.com/inseclab/posts/pfbid0q9CyvCf5m8grVyYTfDpiEnqguHJNcoANHtZ2TCb6pfAkCpH3Aa6DDZERyvZXhD3al

Hải Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin