Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Chúc mừng nhóm sinh viên UIT có bài báo chấp nhận đăng tại “Sensors” (ISSN 1424-8220) 

Nhóm sinh viên UIT có bài báo chấp nhận đăng tại “Sensors” (ISSN 1424-8220) là một tạp chí khoa học quốc tế nằm trong danh mục ISI (Q1), có chỉ số ảnh hưởng IF: 3.735 (PubMed). Bài báo “Realguard: A Lightweight Network Intrusion Detection System for IoT Gateways” do sinh viên Nguyễn Xuân Hà, Nguyễn Xuân Dương, Huỳnh Hoàng Hải cùng nhau thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Kim Hùng. 

Tóm tắt bài báo:

An toàn thông tin đang là thách thức lớn do sự gia tăng chóng mặt số lượng các thiết bị IoT trong đời sống và sản xuất. Một số lượng khổng lồ các thiết bị thông minh nhỏ bé này sẽ nắm giữ và xử lý khối dữ liệu tin lên tới hàng nghìn tỷ byte mỗi ngày. Tuy nhiên, các thiết bị IoT lại dễ bị tổn thương khi tham gia vào Internet do sự thiếu hụt các giải pháp bảo vệ cũng như nguồn tài nguyên phần cứng bị giới hạn. Thêm vào đó, các thiết bị IoT gateway cung cấp rất hạn chế các tính năng bảo mật để phát hiện các mối đe dọa, đặc biệt là sự vắng mặt của các phương pháp phát hiện xâm nhập được hỗ trợ bởi học sâu. Trước vấn đề đó, trong bài báo này, nhóm tác giả đã giới thiệu Realguard, một hệ thống phát hiện xâm nhập mạng dựa trên DNN hoạt động trực tiếp trên các thiết bị IoT gateway để bảo vệ các thiết bị IoT ngay từ mạng biên. Hệ thống có thể phát hiện chính xác nhiều cuộc tấn công mạng trong thời gian thực, trong khi tiêu thụ ít tài nguyên phần cứng. Hệ thống đạt được điều này nhờ vào thuật toán trích xuất tính năng nhỏ nhẹ và mô hình phát hiện tấn công hiệu quả sử dụng mô hình học sâu. Các đánh giá của nhóm nghiên cứu trên bộ dữ liệu CIC-IDS-2017 chỉ ra rằng Realguard có thể phát hiện 10 kiểu tấn công (ví dụ: Port scan, Botnet, và FTP-Patator) trong thời gian thực với độ chính xác trung bình là 99,57%. Hơn nữa, đề xuất của nhóm tác giả hoạt động hiệu quả trên các thiết bị hạn chế tài nguyên (Raspberry PI) với tốc độ xử lý gói cao lên tới hơn 10,600 gói tin mỗi giây. Realguard sẽ là một giải pháp tiềm nằng nhằm nâng cao khả năng bảo vệ mạng biên IoT khỏi các mối đe dọa an toàn thông tin.

Để hoàn thành nghiên cứu này, chúng em xin chân thành cảm ơn đóng góp của tập thể nhóm nghiên cứu, và đặc biệt cảm ơn thầy Lê Kim Hùng là người đã truyền cảm hứng và tận tình hướng dẫn để nhóm có thể hoàn thành công trình.

Thông tin chi tiết: https://www.facebook.com/UIT.Fanpage/posts/4785213521571150

Hải Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin