Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Giới thiệu sách “Gánh gánh… gồng gồng…”

Nếu bạn là khán thính giả yêu thích các chương trình Podcast, chắc hẳn rằng bạn đã từng nghe qua về một Đạo diễn, một Nhà sáng lập Lotus Gallery và một Tác giả của cuốn Hồi ký mang tên “Gánh gánh… gồng gồng…”

"Gánh gánh gồng gồng

Gánh sông gánh núi

Gánh củi gánh cành

Ta chạy cho nhanh

Về xây nhà bếp nấu nồi cơm nếp

Chia ra năm phần...

… gánh gánh gồng gồng…"

Trên đây là những câu ca dao mở đầu cho tác phẩm “Gánh gánh… gồng gồng…”, nơi chất chứa những nỗi niềm, cảm xúc, sự hy sinh của tác giả. Với tác phẩm này, tác giả Xuân Phượng vẻ vang nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam ở tuổi 92. Tác giả chia sẻ rằng “Gánh gánh… gồng gồng… là lời tâm sự, khi mình đã có thời gian dài để chiêm nghiệm, để suy nghĩ thì mình nhìn lại cuộc đời mình”.

“Gánh gánh… gồng gồng…” được xuất phát từ chính câu hỏi của người mẹ sau hơn 40 năm mới gặp lại con mình: “Con ơi, sao con theo họ làm chi để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!”. Tác giả muốn viết lại đời mình để giải thích cho mẹ hiểu rằng cuộc ra đi, công cuộc tham gia cách mạng của mình vào năm 1945 là cần thiết. Bên cạnh những lý do đó, tác giả cũng muốn truyền tải cho những người trẻ biết được rằng, đầu thế kỷ 20, có một cuộc đấu tranh tàn khốc như vậy, bao thế hệ cha anh đã không ngần ngại chiến đấu quật cường, anh dũng hy sinh để đất nước được giải phóng khỏi ách nô lệ, thoát khỏi thực dân Pháp xâm lược.

Hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” bắt đầu từ những hồi ức năm 1929, khi tác giả mới 3 tuổi. Đến năm 1945, bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời bà, đó là năm cô gái Xuân Phượng 16 tuổi đã quyết định theo kháng chiến, xa gia đình thân yêu. Theo dòng chảy của thời gian, tác giả kể về những công việc bà đã từng đảm nhiệm, từ y tá đến nghiên cứu thuốc nổ, làm báo ở chiến khu Việt Bắc, đến bác sĩ, cán bộ văn hóa ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, rồi chuyển qua học và làm phim tài liệu chiến trường sau chuyến tháp tùng vợ chồng đạo diễn người Pháp Joris Ivent đi làm phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân năm 1967. Những hoạt động của bà cùng với bao lớp tri thức trước và sau khi thống nhất đất nước, với một mong muốn đất nước được tự do, độc lập.

Để hiểu hơn về nội dung của cuốn Hồi ký “Gánh gánh…gồng gồng…” của tác giả Xuân Phượng, thân mời Quý độc giả đến với Thư viện Trung tâm ĐHQG để tìm đọc tác phẩm hay và ý nghĩa.

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/CentralLibraryVNU/posts/pfbid02BJiVkLrL1h4MWAr34fYTjTGmLtMuCz8GF8LdtWj6Mob8yHwYu9H6e46VBZ6yBLRcl

 

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin