Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Giới thiệu sách ngày 27/7  - “Chuyện kể về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), Thư viện Trường Đại học Công nghệ Thông tin xin giới thiệu đến quý bạn đọc và các bạn sinh viên về tác phẩm “Chuyện kể về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”.

Quyển sách là câu chuyện có thực về mười cô gái thanh niên xung phong đã khắc ghi tên mình trên một chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam. Họ là những cô gái của tiểu đội 4, ở tuổi đôi mươi, chưa kịp tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt đẹp của tuổi trẻ, vì Tổ quốc, vì trái tim của một con người Việt Nam, đã hy sinh tuổi thanh xuân để vào chiến trường bom đạn khói lửa với một ý chí kiên cường và bất khuất “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ được tắc”.

Các cô gái ngày đêm chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc nơi được mệnh danh là “Tọa độ chết” (thuộc địa phận xã Đồng Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh). Nơi đây giặc điên cuồng thả bom xuống từng mảnh đất, tưởng chừng không có thứ gì còn nguyên vẹn nhưng các cô gái vẫn ca vang tiếng hát mang trong đó là tình yêu với quê hương và đất nước để chiến đấu.

Nhưng rồi một ngày định mệnh, mười cô gái thanh niên xung phong đã không thể chống chọi với quả bom ác nghiệt nhất, họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mang theo cả tuổi thanh xuân của mình để hòa vào nơi đất mẹ.

Nhà thơ Yến Thanh từng nhớ lại: “một quả bom tấn từ máy bay Mỹ lao xuống nổ trùm lên căn hầm mà cả Tiểu đội ẩn nấp, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968. Từ đài quan sát, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống, Tiểu đội 5, Tiểu đội 8 và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại. Sau hai tiếng đồng hồ đào bới thì bới được chị Võ Thị Tần. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp hầm ngoài cùng là chị Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy thì tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh. Cả chín người được đặt lên 9 cáng xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng chị Hồ Thị Cúc - Tiểu đội phó không tìm thấy. Đêm 24/7, 9 cô được mai táng sau eo núi Bãi Dịa, nhưng phải đợi tìm được thi thể chị Cúc mới làm lễ truy điệu. Đến gần 10 giờ ngày 26/7 thì Tiểu đội 8 đã tìm được thi thể chị Cúc. Chị Cúc ngồi trong chiếc hố cá nhân chiều hôm trước do tay chị đào, đầu đội mũ, vai vác cuốc, hai tay chị bầm dập, máu đọng lại đã khô. Có lẽ sau khi bom vùi lấp, chị đã cố gắng để ngoi lên nhưng đành bất lực trước khối đất đè lên”.

Những tội ác và sự tàn bạo của chiến tranh đã được thể hiện rất rõ qua sự hy sinh anh dũng của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc là chị Tần, chị Cúc, chị Hợi, chị Rang, chị Hà, chị Chi, chị Hường, chị Xuân, chị Xanh, chị Nhỏ, câu chuyện đã làm thức tỉnh biết bao trái tim yêu chuộng hòa bình của những con người Việt Nam và trên toàn thế giới.

Nội dung của quyển sách là câu chuyện về cuộc đời các chị được kể lại của tác giả Hoài Lộc với hình thức truyện tranh qua phần thể hiện của Cloud Pillow Studio. Những bức tranh sống động và chân thực đã góp phần quan trọng tái hiện cuộc đời và sự hy sinh anh dũng của các chị như một bộ phim oai hùng đầy xúc động.

Mỗi trang sách, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về một phần lịch sử chiến đấu anh dũng của dân tộc, ghi nhớ công ơn những thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu làm nên hòa bình cho đất nước hôm nay.

Mời các bạn đọc chi tiết bài viết tại: https://www.facebook.com/lib.uit.vn

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin