Đó là một trong 3 kiến nghị mà Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc của 2 đơn vị tại ĐHQG-HCM vào sáng 14/9.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030 đã xác định công nghệ thông tin là một trong 3 lĩnh vực được ĐHQG-HCM ưu tiên đầu tư, cả về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Quy mô cũng như chất lượng đào tạo công nghệ thông tin của ĐHQG-HCM được khẳng định qua số lượng sinh viên đại học và sau đại học, số chương trình được kiểm định quốc tế và đặc biệt là được sự thừa nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản đã công bố nhiều bài báo quốc tế, mang về nhiều dự án hợp tác trong và ngoài nước. ĐHQG-HCM cũng đã nhận được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, thách thức khi số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đặt tại ĐHQG-HCM nên chưa thu hút được sinh viên, giảng viên tham gia nghiên cứu, khởi nghiệp…
Vì vậy, với mong muốn ĐHQG-HCM được đóng góp nhiều hơn, cụ thể hơn cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, nhất là chỉ tiêu về kinh tế số và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Giám đốc ĐHQG-HCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ và kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án “Triển khai mô hình giáo dục đại học số đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số” do ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông đề xuất. Ông cho biết mục tiêu của đề án này là thiết kế và vận hành mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng phối hợp hoạt động giữa các cơ sở giáo dục hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi quy mô đào tạo nguồn nhân lực về máy tính và công nghệ thông tin cùng các lĩnh vực khác có liên quan.
Giám đốc ĐHQG-HCM cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình hỗ trợ để ĐHQG-HCM trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu về chuyển đổi số của quốc gia và khu vực. Cụ thể là hỗ trợ, đầu tư để ĐHQG-HCM xây dựng và vận hành hệ thống MOOC; hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trung tâm R&D tại ĐHQG-HCM; cho phép ĐHQG-HCM thành lập cơ quan tạp chí khoa học theo mô hình quản lý tạp chí khoa học quốc tế.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi với lãnh đạo ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc về nhiều vấn đề, nhất là chiến lược chuyển đổi số quốc gia và vai trò của việc xây dựng nguồn nhân lực để phát triển lĩnh vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn, ghi nhận những ý kiến đóng góp và cho biết sẽ luôn ủng hộ, đồng hành với ĐHQG-HCM về những vấn đề liên quan đến ngành thông tin và truyền thông.
Nguồn: Bảo Khánh - Thiện Thông
Thông tin chi tiết: https://vnuhcm.edu.vn/su-kien-sap-dien-ra/ho-tro-dhqg-hcm-tro-thanh-trung-tam-dao-tao-va-nghien-cuu-ve-chuyen-doi-so-cua-quoc-gia-va-khu-vuc/343632386864.html
Hải Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin