Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Khó khăn tăng nhưng sinh viên vay vốn học tập giảm, vì sao?

Đóng góp tại phiên họp Quốc hội ngày 25/5, Đại biểu Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM - chia sẻ: "Học phí là câu chuyện đang rất thời sự. Việc tăng học phí của các trường ĐH, trường phổ thông tác động rất lớn đối với xã hội".

Theo ông Quân, sau đại dịch ĐHQG-HCM tổ chức khảo sát với 40.000 sinh viên, trong đó có 60% sinh viên có gia đình mất đi ít nhất một nguồn thu và cũng có 60% sinh viên lo lắng về học phí. Trong khi với mức chi cho giáo dục ĐH năm 2015 chỉ chiếm 6,1% tổng ngân sách chi cho giáo dục, tương đương 0,33% GDP. Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Khó khăn tăng nhưng sinh viên vay vốn học giảm, vì sao? - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 25-5 - Ảnh: H.P

Thực tế đó buộc các trường ĐH phải tự chủ, khi đó chắc chắn học phí phải tăng vì không còn khoản chi thường xuyên từ ngân sách. Đây là vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh học sinh, sinh viên đang rất khó khăn.

PGS.TS Vũ Hải Quân kiến nghị Nhà nước cần phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, từ đó có kinh phí đặt hàng các trường ĐH đào tạo các ngành khoa học, công nghệ trọng điểm phục vụ sự phát triển cho đất nước để các trường có thêm nguồn thu. Đồng thời, cho các trường ĐH được sử dụng các tài sản công, thông qua các dịch vụ đất đai, liên kết kinh doanh để đa dạng các nguồn thu.

"Bối cảnh này cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường ĐH tự chủ phải theo lộ trình" - ông Quân đề xuất.

Giám đốc ĐHQG-HCM cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách cho sinh viên vay để có nhiều đối tượng được vay, vay với định mức cao hơn. Có thể tăng định mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

Đồng thời, giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3 - 4% năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3 - 4% năm, sau khi tốt nghiệp áp dụng lãi suất cao hơn.

Đồng thời cần nghiên cứu có chính sách kéo giãn thời gian vay dài hơn. Thay vì cho vay trong thời gian ngắn như hiện nay, có thể điều chỉnh thời gian cho vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp ba lần thời gian vay. Ví dụ học bốn năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm, còn học bảy năm tối đa là 21 năm.

"Ngoài ra, cần có chính sách để các ngân hàng thương mại có thể cung cấp dịch vụ cho sinh viên vay, thay vì chỉ thông qua ngân hàng chính sách như hiện nay để đa dạng các gói vay và sinh viên dễ tiếp cận hơn" - ông Quân gợi ý.

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://tuoitre.vn/kho-khan-tang-nhung-sinh-vien-vay-von-hoc-giam-vi-sao-20220525231410521.htm?fbclid=IwAR2fgaNhaIJjpQfiRCt193lZ7jSIJ7Sx3_0dN_xbAU_1eZVE4MYvYhnxH1U

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin