Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Ngành giáo dục phải bớt bảo thủ

Công nghệ thông tin (CNTT) sẽ mang người thầy giỏi đến với hàng triệu học sinh. Thế nhưng để CNTT thực sự là bước đột phá trong giáo dục, ngành giáo dục cần tái cấu trúc hệ thống, xóa bỏ vùng trũng tiếng Anh và cố gắng hạn chế sự bảo thủ vốn có trong cách tư duy, quản lý…là những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học tham gia hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam trong môi trường CNTT.”

Ts Lê Trường Tùng, hiệu trưởng Trường ĐH FPT


Vị trí của người thầy cao hơn nhưng đừng bảo thủ

“Đưa bất kỳ một công nghệ mới nào vào ngành giáo dục, đặc biệt là công nghệ thông tin, người ta cũng đặt ra vấn đề: Vậy có cần người thầy nữa không? Theo tôi, đây là suy nghĩ rất nông cạn vì vị trí của người thầy không bao giờ mất được trong giáo dục. Chỉ có người thầy phải xác định nhiệm vụ của mình trong thời đại công nghệ thông tin phải thay đổi như thế nào?”- GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.

Ông cho biết, từ cách đây 20 năm, trong hội nghị giáo dục đại học thế giới, UNESCO đã khuyến cáo người thầy khi đứng trước việc đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục:

“Người thầy phải làm chủ CNTT. Từ đây, vai trò người thầy đã thay đổi. CNTT có thể truyền thụ kiến thức. Công việc của người thầy giúp các em cách học, cách tiếp cận, cách phân tích, tổng hợp, cách giải quyết vấn đề. Vị trí của người thầy dã cao hơn, khó khăn hơn trước.”

Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương đồng quan điểm và cho rằng: “CNTT không thay thế được người thầy nhưng một người thầy giỏi cùng với CNTT có thể thay thế cho rất nhiều ông thầy tồi.” Một lợi thế lớn, theo ông Vũ Ngọc Hoàng, là khi có CNTT, một người thầy giỏi có thể tiếp cận đến hàng triệu học sinh, chứ không chỉ một vài lớp học, vài trăm em.

Một điều đặc biệt là trong hội thảo lần này, các nhà khoa học đã có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục chỉ ra: “Công nghệ thông tin, không chỉ ở nước ta mà trên thế giới, đều đi vào giáo dục rất chậm. vì bản thân giáo dục là một ngành rất bảo thủ.

Điển hình là ở Việt Nam, sự bảo thủ nằm trong cách quản lý đã biến hai trường ĐH mở được mở ra cách đây 20 năm trở thành hai ĐH “khép”. Với cách quản lý có chỉ tiêu thì mới có tài chính, các trường ĐH mở từ bản chất là không tuyển sinh, đầu vào tự do trở thành những trường bình thường khác. Đó là thiếu sót trong khoa học giáo dục. 

Nhiều chuyên gia khác cho biết, cách tư duy của những thầy cô vẫn hết sức bảo thủ. Đơn cử như câu chuyện của GS Lâm Quang Thiệp, khi một hiệu trưởng mà ông quen biết đề nghị một giáo viên giỏi trong trường đưa tất cả các bài giảng của họ lên mạng. Giáo viên đó đã đáp lại: “Nếu đưa lên mạng thì còn cần gì tôi nữa?”. Cách suy nghĩ đó khiến vị hiệu trưởng phải kêu lên: “Ồ, nếu anh nghĩ là như vậy không cần anh nữa thì quả thật là …không cần anh.”

Sự bảo thủ trong ngành giáo dục khiến cho một hệ lụy mà TS Nguyễn Thanh Tuyên- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra rằng: Từ các con, các cháu anh đi học lớp tiểu học đến anh đi học cao học, tất cả đều đọc và chép. 

TS Tuyên kể câu chuyện điển hình mà chính anh gặp phải: “Đề tài và bài thi của tôi được giao về kinh tế tri thức, đúng vấn đề tôi nghiên cứu. Nhưng khi tôi viết thì các thầy không chấm được. Họ nói: “Đề tài này không chấm được” và cho 5, 6 điểm gì đó. Tôi nhận ra rằng, nếu làm gì khác các thầy thì sẽ không được điểm cao.”

Câu chuyện mới chỉ xảy ra cách đây 2 năm với TS Tuyên khiến cho nhiều nhà khoa học trong hội trường phải lắc đầu và cười buồn.

Vì vây, trở lại vấn dề đưa CNTT vào trường học, các nhà khoa học nhận định rằng, bản thân giáo viên phải nâng cao trình độ của mình để xóa đi thái độ áp đặt về mặt kiến thức và giúp học sinh chọn lọc, xử lý thông tin trong môi trường đa dạng như hiện nay.

Tuy nhiên, trước tiên, cách nhìn nhận của ngành giáo dục đối với CNTT cần phải thích đáng và bàn thảo nghiêm túc, không nên nói một cách chung chung.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT- Bộ GD-ĐT còn cho biết, ứng dụng CNTT vào giáo dục mới có thể xây dựng một nền giáo dục mở và quộc tế hóa, đẩy mạnh hội nhập giáo dục. Ông Ngọc cho hay, việc quản lý và đánh giá chất lượng sẽ còn minh bạch hơn nữa khi CNTT là phương tiện xử lý, cung cấp số liệu chính xác nhất, khách quan nhất. 
.
Tuy nhiên hiện nay phần nói về CNTT trong các văn bản về đổi mới và cải cách giáo dục còn rất mờ nhạt. Ông Ngọc đề xuất, sắp tới, trong văn bản của bộ GD-ĐT cần có thêm một mục riêng dành cho CNTT.

Thay đổi cả hệ thống giáo dục

Toàn cảnh hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam trong môi trường CNTT.”


Là hiệu trường của trường ĐH FPT, TS Lê Trường Tùng tham luận với hội thảo cả một vấn đề lớn. Theo ông, để CNTT không đưa vào giáo dục một cách chắp vá, dẫn đến kém hiệu quả và lãng phí như hiện nay thì cần tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục. 

Khi đó, CNTT sẽ nằm trong danh sách những kiến thức “xóa mù” mà ông gọi là “Bình dân học vụ 2.0” bao gồm học tiếng Anh, học Tin học . Trong đó, tiếng Anh được ông Tùng coi là vùng trũng cần phải xóa để mỗi người có thể mở cánh cửa tri thức thế giới thông qua CNTT.

Theo TS Lê Trường Tùng, hiện Việt Nam đang tồn tại cấu trúc hệ thống giáo dục chắp vá, khác lạ với thế giới là 1 tiểu-4 trung- 2 cao- 1 đại. Hệ thống này khiến học sinh mất 12 năm học phổ thông, vào ĐH khi 18 tuổi và phải ở lứa tuổi 21-23 mới bắt đầu ra trường làm việc. 

Ông Tùng cho rằng, nên cấu trúc lại hệ thống với kiến trúc 1 tiểu-1 trung- 1 cao-1 đại. Trong đó, 5 năm cấp tiểu học và 4 năm cấp trung học, học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hóa phổ thông. Kiến trúc này, theo ông Tùng, là hệ thống giáo dục của nhiều nước theo mô hình Anh, được áp dụng rộng rãi tại các nước thuộc khối thịnh vượng chung. 

Với mô hình này, GD Việt Nam sẽ phù hợp với hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia và đảm bảo tính chuyển đổi, sử dụng được tài nguyên học tập và trao đổi giáo dục quốc tế. 

Việc định hướng nghè nghiệp sẽ sớm hơn để giải quyết tâm lý xã hội đổ xô chen chúc vào cửa đại học.  Đồng thời, tuổi vào đời sớm hơn sẽ phù hợp với giới trẻ hiện nay, tăng thời gian cống hiến cá nhân cho đất nước và giảm chi phí ăn học cho gia đình, xã hội.

Dù thiết kế ông Lê Trường tùng đưa ra vẫn ở một tương lai xa nhưng nhiều nhà khoa học trong hội thảo chia sẻ nỗi bức xúc trong xã hội mỗi khi đến mùa tuyển sinh. Ở bất cứ cấp học nào, từ mẫu giáo đến đại học, tuyển sinh đầu vào cũng rất khó khăn nhưng đầu ra lại thả lỏng. 

Hiện tại, rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau ở các chuyên gia giáo dục hàng đầu như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại, GS Phạm Minh Hạc khiến ngành GD chưa biết lựa chọn con đường nào cho cải cách. Nhưng các nhà khoa học và giáo dục tham gia hội thảo hi vọng giữa những ý kiến trái chiều đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT dám tiếp nhận cái đúng, cái tiên tiến và chấp nhận sự phản bác của các ý kiến khác…

  • Nguyễn Hường (ghi)