Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Những công nghệ đang biến đổi ngành phần mềm

Ngành phần mềm đang trải qua "cơn bão" chứa nhiều xu hướng công nghệ mới, giống như từng xảy ra một lần cách đây gần 30 năm.

Khi đó, nó hình thành những tên tuổi lớn như Microsoft, Oracle, SAP và mở ra các lĩnh vực mới như bảo mật máy tính. Điều tương tự đang diễn ra và vài năm tới sẽ xuất hiện những gã khổng lồ mới.

Người ta vẫn chưa hiểu vì sao Instagram có giá tới 1 tỷ USD sau hơn 1 năm hoạt động. Người ta vẫn đang ngỡ ngàng trước 50 triệu lượt tải trò Angry Bird Spacechỉ sau 35 ngày. Những con số đó không giống với những gì họ vẫn biết trong lĩnh vực phần mềm truyền thống và báo hiệu xu hướng mới mà ngành công nghiệp sẽ đi theo.

Trang Business Insider liệt kê những công nghệ đang tác động mạnh đến ngành phần mềm:

Thay vì bỏ ra khoản tiền lớn mua bản quyền phần mềm theo chu kỳ 2-3-5 năm, nhiều người bắt đầu thuê và sử dụng dịch vụ qua Internet. Các hãng phần mềm truyền thống như Oracle, Microsoft, SAP... đang đầu tư lớn vào xu hướng điện toán đám mây này nhưng chưa tạo ra được đột phá giống những công ty SaaS (phần mềm dịch vụ) như Salesforce.
Phần mềm hiện được chủ động mua bởi chính những nhân viên muốn sử dụng thay vì được nhà quản trị IT cung cấp như trước. Khi lượng người dùng đông, doanh nghiệp sẽ phải nghĩ đến chuyện mua và triển khai trên toàn công ty gói sản phẩm đó nhưng đã được bổ sung tính năng về quản lý và bảo mật. Đó chính là nguyên nhân thành công của Microsoft SharePoint, Dropbox, Asana, Evernote...
Nhân viên muốn làm việc trên thiết bị của riêng họ và cài phần mềm họ thích. Còn doanh nghiệp lại cần quản lý và bảo vệ dữ liệu nội bộ. Công nghệ ảo hóa desktop sẽ giúp "vẹn cả đôi đường". Nó còn có tên gọi khác là Dịch vụ Desktop (Desktop as a Service - DaaS) mà Dell, VMware, Red Hat, Citrix... đang cung cấp.
Windows đang chiếm thị phần lớn, nhất là trong doanh nghiệp, do vậy những thay đổi của nó đều có tác động lớn đến ngành phần mềm. Đó là Windows 8 với giao diện Metro và hoạt động được trên cả tablet, dự kiến sẽ có mặt cuối năm nay.
Người ta đã nói nhiều về tiềm năng của HTML5 và công nghệ web mới này đang thúc đẩy các chuyên gia viết phần mềm cho trình duyệt để chạy đa nền tảng, thay vì viết phần mềm hoạt động trên một hệ điều hành cụ thể như Windows.
Điện toán di động: Hiện nay, với nhiều người, phần mềm phải được truy cập trên bất kỳ thiết bị nào chứ không chỉ nằm trong một máy để họ có thể làm việc khi đang đi nghỉ mát hay xem đá bóng. Các nhà sản xuất thiết bị di động như Apple, HTC, LG, Samsung... cùng các mạng viễn thông khắp thế giới đang mang đến sự tự do này.
Kho ứng dụng của Apple cũng thay đổi cách con người tìm kiếm, mua và sử dụng phần mềm. Họ có một nơi tập trung để lấy ứng dụng mà họ thích thay vì tìm phần mềm nằm rải rác trên các trang web của nhà cung cấp như trước. Họ cũng sẽ chỉ phải bỏ ra 0-10 USD chứ không phải 30-100 USD để mua ứng dụng.
Giao diện cảm ứng và nhận diện cử động đang làm giàu cách mọi người tương tác với phần mềm, đe dọa sự phát triển của các nhà sản xuất chuột máy tính như HP, Logitech. Ngay cả BlackBerry với thế mạnh bàn phím Qwerty cũng phải chuyển sang thiết kế máy dùng màn hình cảm ứng.
Mạng xã hội như Facebook, LinkedIn, Google, Yammer không chỉ biến đổi cách con người giao tiếp, chúng còn được nhúng vào trong mọi thứ từ website, phần mềm chat, bảng tính cho tới cả TV.

Châu An