Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

HÈ BRUNEI 2025 – HÀNH TRÌNH CỦA MỘT NGƯỜI TRẺ DÁM BƯỚC RA THẾ GIỚI

HÈ BRUNEI 2025 – HÀNH TRÌNH CỦA MỘT NGƯỜI TRẺ DÁM BƯỚC RA THẾ GIỚI

Nguyễn Lý Đăng Khoa – sinh viên Khoa Hệ thông Thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin – đại diện Việt Nam tại AUN UBD Summer Camp 2025


Bước ra khỏi vùng an toàn – thế giới liền mở ra

Khi đặt chân đến Brunei trong khuôn khổ chương trình AUN UBD Summer Camp 2025, mình không chỉ đơn thuần “đi tham dự một trại hè quốc tế”, mà cảm giác giống như… mở cửa sổ để thấy một thế giới khác đang hiện hữu – yên bình, xanh mát, và đầy những điều lạ lẫm.

Brunei là một đất nước nhỏ, nhưng lại có cách kể chuyện rất riêng về sự phát triển và bền vững. Từ những con đường rợp bóng cây đến làng nổi Kampong Ayer – nơi con người sống hài hòa trên mặt nước, mình cảm thấy được truyền cảm hứng rất lớn về cách con người có thể phát triển mà không đánh đổi môi trường. 

AUN UBD Summer Camp 2025 diễn ra tại Đại học Quốc gia Brunei Darussalam (UBD) – một trong những đại học tiên phong của khu vực về phát triển bền vững. Chủ đề của trại hè – “Green Stewardship: Preserving Biodiversity and Advancing Sustainable Development” – mở ra cho Khoa một hành trình nhận thức hoàn toàn mới.

Đăng Khoa cùng những người bạn của mình được tham gia các lớp học giữa rừng ngập mặn, lắng nghe seminar về bảo vệ đại dương tại trạm hải quân Hoàng gia, thảo luận về an ninh lương thực giữa các sinh viên ASEAN+3. Đó là một môi trường nơi sinh viên không chỉ được khuyến khích nói, mà còn được lắng nghe.

Brunei hiện lên trong mắt Khoa không phải là một đất nước “giàu có” như định kiến, mà là một không gian sống nơi con người chọn sống chậm, sống xanh, và sống hài hòa với thiên nhiên. Những con đường rợp bóng cây. Những ngôi làng nổi sống động. Những buổi chiều tĩnh lặng trong khuôn viên đại học. Và những buổi tối cả nhóm ngồi dưới sao, cùng bàn luận về tương lai trái đất.

Mỗi buổi học tại UBD là một lát cắt đặc sắc về giáo dục, thiên nhiên và văn hóa. Đăng Khoa được học về hệ sinh thái rừng ngập mặn, tham gia các hội thảo về bảo vệ môi trường biển, đến tham quan cảng, vườn thực vật, thậm chí là trạm hải quân Hoàng gia. Có những buổi chiều, Khoa và những người bạn cùng nhau đi bộ trong rừng sinh thái, nghe các giảng viên Brunei chia sẻ cách họ dạy sinh viên trân trọng sự sống – từ côn trùng nhỏ nhất đến từng nhành cây.

Lúc đó, Khoa tự hỏi: “Nếu không đi, liệu mình có bao giờ hiểu sâu sắc rằng sống xanh không phải là trào lưu, mà là lối sống bền vững mà thế giới đang chọn?”


Từ học thuật đến biểu diễn – tôi đã dám thử những điều chưa từng

Điều mà Khoa ấn tượng không chỉ nằm ở nội dung học, mà còn là cách mọi người cùng học với nhau. Khoa cùng các bạn đến từ nhiều nước: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc… Mỗi người một câu chuyện, một phong cách làm việc, một góc nhìn về phát triển. Nhưng chính sự đa dạng đó lại tạo nên bức tranh hợp tác rất thú vị.

Trong dự án nhóm, Khoa và những người bạn của mình phải làm video, viết đề xuất giải pháp về bảo tồn biển, rồi thuyết trình trước hội đồng. Có lúc bất đồng, có lúc quá deadline, có lúc… đói quá vẫn phải dựng video. Nhưng nhờ những lần “cháy deadline” mà từ đó mới thân nhau, chia sẻ đủ thứ chuyện từ môi trường đến… ẩm thực đường phố.

Điều đáng nhớ nhất có lẽ là tiết mục nhảy “Máu Đỏ Da Vàng” của đội Việt Nam trong đêm giao lưu văn hóa. Cả nhóm tập suốt nhiều ngày, khớp đội hình, sửa từng nhịp nhạc. Khi đứng trên sân khấu, trong tà áo dài và ánh đèn rực rỡ, mình nhận ra một điều rất giản dị mà sâu sắc: Mang văn hóa Việt Nam ra thế giới không cần phức tạp, chỉ cần chân thành và hết mình.


Chuyến đi kết thúc – nhưng Khoa thì vừa bắt đầu một hành trình mới

Sau hơn một tuần ở Brunei, mình trở về Việt Nam với rất nhiều “hành lý” – nhưng không phải là quà tặng hay giấy chứng nhận. Mà là sự trưởng thành, là động lực học tập mới, là một phiên bản của Đăng Khoa tự tin hơn, sâu sắc hơn và dám nghĩ xa hơn. Ngày trở về Việt Nam với một chiếc vali không quá nặng – nhưng lại chứa đầy những bài học mới, góc nhìn mới, và khát vọng mới. 

Khoa hiểu rằng, để học giỏi chưa đủ. Điều quan trọng hơn là học để tạo khác biệt. Mỗi lần bước ra khỏi vùng an toàn là một lần ta có thể tìm thấy một phiên bản can đảm hơn, rộng mở hơn, bản lĩnh hơn của chính mình.

Và Đăng Khoa tin rằng, mỗi sinh viên UIT đều có thể bước ra thế giới, nếu dám thử. Vì phía sau chúng ta luôn có mái nhà mang tên UIT – nơi không chỉ đào tạo những cử nhân, kỹ sư giỏi, mà còn khuyến khích bạn trở thành công dân toàn cầu.

"Thế giới này rộng, và chúng ta – những người trẻ Việt Nam – hoàn toàn có thể đóng góp vào đó, bằng cách nhỏ nhất là hiểu, chia sẻ và kết nối. Những người bạn mà mình từng ôm nhau khóc khi chia tay ở sân bay nay đã trở thành mạng lưới bạn bè quốc tế – cùng truyền cảm hứng, cùng cố gắng mỗi ngày".

AUN Summer Camp không chỉ là một chuyến đi. Nó là một "tấm gương" giúp mình nhìn rõ bản thân hơn. Và nếu có điều gì mình rút ra sau hành trình đó, thì là: Dù đi đâu, dù học gì, cũng hãy sống với trách nhiệm – với thiên nhiên, với cộng đồng, và với chính mình. 


Xin cảm ơn Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (UIT), Mạng lưới AUN và Đại học Brunei Darussalam đã tạo ra một hành trình truyền cảm hứng đến như vậy.