Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Lao động Việt Nam ít tự nhận trách nhiệm

(Dân trí) -Không chỉ hạn chế trong giao tiếp mà có việc gì thì lao động Việt Nam đều tránh trách nhiệm. Ông Masaki Yamashita - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhận xét như thế trong Hội thảo “Đối sánh chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội”.

Tại hội thảo do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức sáng 8/12, ông Masaki Yamashita cho biết: “Ở công ty của tôi, khi có vấn đề gì xảy ra nếu tôi nói bằng tiếng Anh thì mọi người càng không hiểu nên tôi cho mọi người tự do trao đổi bằng tiếng Việt. Thế nhưng đa phần mọi người bảo không phải lỗi của mình nên cuối cùng không giải quyết được vấn đề”.
Lao động Việt Nam ít tự nhận trách nhiệm
Ông Masaki Yamashita - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ “nói lên sự thật có thể khiến nhiều người không muốn nghe”.

Điểm giống nhau mà các công ty nước ngoài không hài lòng nhất ở lao động Việt Nam là kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm. Theo ông Misaki: “Về kiến thức, người học ĐH phải có kiến thức là đương nhiên vì các bạn đã học 4 năm do vậy sinh viên làm sao đó phải ứng dụng được kiến thức đã học vào công việc. Nhưng rất tiếc các bạn đã học rất nhiều ở trường nhưng để vận dụng vào công việc thì các bạn vẫn chưa làm được vì không thể giao tiếp với cấp trên”.

Ngoài ra, ông Misaki cũng nhận xét thêm rằng ở Việt Nam đây là một điểm tốt nhưng đôi khi trong công việc lại chưa hẳn là tốt, đó là những người trẻ thường không dám có ý kiến gì với người lớn tuổi cả. Với người Nhật, việc tôn trọng người lớn tuổi cũng là một chuẩn mực của xã hội nhưng mà trong công việc thì việc này không được khuyến khích.

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cũng có cùng ý kiến sinh viên ra trường kỹ năng va chạm thực tế. Trường ĐH chỉ có thể dạy kiến thức chung còn khi đi làm thì mỗi doanh nghiệp cũng phải đào tạo bổ sung theo nhu cầu của mình. Để có kỹ năng thì chủ yếu sinh viên phải tự trang bị cho bản thân.

Tham dự lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các sinh viên cũng chia sẻ những nguyện vọng của mình. Đa phần các bạn mong muốn doanh nghiệp và nhà trường có thể ngồi lại với nhau để giới thiệu những hướng đi giúp sinh viên định hướng thêm trước khi ra trường.

Lao động Việt Nam ít tự nhận trách nhiệm
Võ Trần Vy Khanh, sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa TPHCM phát biểu ý kiến với vai trò người sắp tìm việc làm.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết đây là lần thứ 3 tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến doanh nghiệp. Điều đáng mừng là bên phía doanh nghiệp và nhà trường đều nhận thức rõ hơn vai trò của mình. Mặc dù, trường ĐH không thể nào chạy theo nhu cầu của doanh nghiệp nhưng ý kiến của doanh nghiệp giúp trường xây dựng “chuẩn đầu ra”.

Lê Phương