Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

TPHCM: 3 nhóm ngành đứng đầu bảng nhu cầu nhân lực

Trong 10 nhóm ngành nghề chính thì nhóm ngành Dệt - May-Giày da - Thủ công mỹ nghệ, Công nghệ chế biến thực phẩm và Công nghệ thông tin - Điện - Điện tử - Viễn thông là 3 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất ở TPHCM trong 3 năm tới.

Chiếm hơn 1/2 tổng nhu cầu nhân lực

Nhận định tổng quan về xu hướng phát triển thị trường lao động thành phố giai đoạn 2012-2015, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) xếp hạng 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu cao về nhân lực là: (1) Dệt – May – Giày da – Thủ công mỹ nghệ; (2) Công nghệ chế biến thực phẩm; (3) Công nghệ thông tin – Điện – Điện tử - Viễn thông; (4) Xây dựng – Kiến trúc – Giao thông vận tải; (5) Dịch vụ - Phục vụ - Du lịch – Giải trí – Nhà hàng – Khách sạn; (6) Quản lý – Hành chính văn phòng; (7) Tài chính – Ngân hàng – Kế toán – Bảo hiểm; (8) Cơ khí – Luyện kim – Công nghệ ô tô xe máy; (đồng hạng 9) nhóm ngành Markerting – Kinh tế - Kinh doanh – Bán hàng và nhóm ngành Hóa- Hóa chất – Y, Dược, Mỹ phẩm.

bieudonhucaulaodong 13.3.2013-bdffe

10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong thời gian tới

Trong 10 nhóm ngành chính trên thì 3 nhóm ngành có nhu cầu cao nhất là Dệt – May – Giày da – Thủ công mỹ nghệ (chiếm 28% tổng nhu cầu nhân lực), Công nghệ chế biến thực phẩm (chiếm 13%) và Công nghệ thông tin – Điện – Điện tử - Viễn thông (chiếm 12%). Tổng cộng 3 nhóm ngành đầu bảng chiếm hơn 1/2 tổng nhu cầu nhân lực của thành phố trong giai đoạn tới.

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Giám đốc Falmi cho biết: “Thống kê này được chúng tôi xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát liên tục trong 3 năm (2010-2012) về thị trường lao động (cung – cầu lao động), đặc biệt là nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp; kết hợp với việc ứng dụng các phương pháp dự báo nhân lực để tổng hợp, phân tích”.

Theo Falmi, dự kiến trong giai đoạn 2013 – 2015 thì bình quân mỗi năm thành phố có nhu cầu 280.000 - 300.000 chỗ làm việc. Như vậy thì chỉ riêng 3 nhóm ngành trên mỗi năm cần khoảng 150.000 lao động.

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc cho biết thêm: “Theo Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020, thành phố ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Thành phố cân đối đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp như Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; Điện tử và Công nghệ thông tin; Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; Hóa chất – Hóa dược và mỹ phẩm”.

Nhu cầu cao nhưng không “hot”

Trong 3 nhóm ngành đứng đầu bảng nhu cầu nhân lực trên thì chỉ có ngành Dệt – May – Giày da – Thủ công mỹ nghệ là cần nhiều lao động phổ thông, 2 nhóm ngành còn lại đều đòi hỏi lao động có trình độ tay nghề và cần đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhóm ngành Công nghệ chế biến thực phẩm và Công nghệ thông tin – Điện – Điện tử - Viễn thông không phải là ngành “hot” trong giai đoạn hiện nay, nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.

Nhận định riêng về ngành công nghệ thông tin, bà Trương Lê Mỹ Ngọc cho biết: “Theo kết quả khảo sát và phân tích giai đoạn 2013 – 2015, Trung tâm nhận định xu hướng nhu cầu nhân lực ngành này chiếm tỷ lệ 7,75% (khoảng 23.000 – 25.000 người) với cơ cấu trình độ chuyên môn là Đại học chiếm hơn 57%, Cao đẳng hơn 25% và Trung cấp gần 11% và Kỹ thuật viên sơ cấp chiếm gần 7%.

nhucaunhanluc 13.3.2013-bdffe

Nhóm ngành công nghệ thông tin có khả năng thiếu hụt lao động trong tương lai

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết thêm: “Nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhóm ngành này trong năm 2012 tăng hơn 66% so với năm 2011; đặc biệt nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, tester, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web, lập trình mobile… Tuy nhiên, thực tế thị trường lao động năm 2012 cho thấy nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng 70% nhu cầu tuyển dụng”.

Còn nhóm ngành công nghệ thực phẩm dù đứng thứ 2 trong bảng thống kê này nhưng thực tế là ngành rất ít người học. Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp rao tuyển nhân sự ngành này cả năm trời mà không tìm ra người phù hợp yêu cầu. Một phần vì nó không “hot”, một phần vì người ta ngại môi trường làm việc ngành này độc hại nên ít người theo học”.

Theo ông Trần Anh Tuấn thì trong những năm tới sẽ không có ngành nào là ngành “hot”, vượt trội so với các ngành khác. Tuy các bạn trẻ định hướng học nghề theo nhu cầu nhân lực của thị trường thì dễ tìm việc hơn, nhưng nếu nắm chắc kỹ năng nghề mình theo học thì bất cứ ngành nào vẫn sẽ có cơ hội nghề nghiệp.

Bởi thực tế các ngành thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm dù rất thiếu người nhưng vẫn có rất nhiều bạn trẻ tốt nghiệp các ngành này thất nghiệp hoặc phải làm công việc trái ngành. Nguyên nhân lớn nhất là do trình độ của họ hạn chế, chưa phù hợp với công việc mà doanh nghiệp yêu cầu.

Trích: Dantri.com.vn