Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Chúc mừng sinh viên Lê Khắc Tiến đã có công trình nghiên cứu được chấp nhận đăng tại Tạp chí Computers & Security.

Nhóm nghiên cứu InSecLab và sinh viên ngành An toàn Thông tin Lê Khắc Tiến đã có công trình nghiên cứu đăng tại Tạp chí Computers & Security. Bìa báo có tên “DIGFuPAS: Deceive IDS with GAN and Fuction-Preserving on Adversarial Samples in SDN-enabled networks' . Bài báo có sự hướng dẫn của TS. Phạm Văn Hậu và ThS. Phan Thế Duy.

Bài báo này tập trung vào việc áp dụng phương pháp học máy đối kháng nhắm vào các trình phát hiện xâm nhập, tấn công mạng (IDS). Bộ khung DIGFuPAS mà nhóm nghiên cứu đề xuất và thực nghiệm dựa trên nguyên lý của mạng sinh đối kháng (Generative Adversarial Networks) - vốn nổi lên như công nghệ đằng sau kỹ thuật tạo ảnh, video giả mạo giống như thật DeepFake.

Trong lĩnh vực an toàn thông tin, các ứng dụng của GANs chưa được phong phú và đạt nhiều kết quả như lĩnh vực xử lý hình ảnh, hay ngôn ngữ tự nhiên. Với những tiềm năng đó, nghiên cứu này sử dụng GANs như là một phương pháp sinh dữ liệu đối kháng (dữ liệu tấn công chứa nhiễu) để đánh lừa các IDS học máy. Các dữ liệu mới được phát sinh này được sử dụng như nguồn tài nguyên dữ liệu bổ sung cho việc huấn luyện IDS liên tục giúp cải thiện tính bền vững, khả năng bền vững của các IDS trước các loại tấn công chưa từng được ghi nhận (zero-day). Cuối cùng, DIGFuPAS được sử dụng như một công cụ hỗ trợ quá trình kiểm thử an toàn cho các hệ thống phòng thủ thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo; được cài đặt thử nghiệm dưới dạng prototype trong mạng khả lập trình (SDN).

Đó chính là ý tưởng xuyên suốt mà Khắc Tiến và nhóm nghiên cứu đã áp dụng vào bài toán cải thiện khả năng nhận diện tấn công mạng trong môi trường mạng khả lập trình - kiến trúc mạng đóng vai trò then chốt trong ngữ cảnh Thành phố thông minh, Giao thông thông minh, hay Nhà máy thông minh.

Thông tin chi tiết: https://www.facebook.com/inseclab

Hải Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin