Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

ĐHQG-HCM thảo luận về định mức nghiên cứu khoa học của giảng viên 

GS, PGS phải công bố ít nhất 1 bài báo quốc tế thuộc tạp chí Q1, Q2, Q3; tối thiểu 1 bài báo thuộc Scopus/ISI đối với tiến sĩ và 1 bài báo Scopus/ISI định kỳ 2 năm đối với thạc sĩ… là những quy định trong Dự thảo về định mức nghiên cứu khoa học của giảng viên tại ĐHQG-HCM.

Dự thảo này được ĐHQG-HCM thảo luận, lấy ý kiến các đơn vị thành viên, trực thuộc thông qua tọa đàm “Một số vấn đề về định mức nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên tại ĐHQG-HCM” được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Q5) vào ngày 15/8. PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM chủ trì tọa đàm.

PGS.TS Huỳnh Thanh Công - Phó Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM, cho biết Dự thảo này được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết ĐH Đảng bộ ĐHQG-HCM lần VI; Kế hoạch chiến lược về KH&CN cấp ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025 và Thông tư 20 của Bộ GD&ĐT về quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, các định mức NCKH sẽ được ĐHQG-HCM áp dụng cho 3 đối tượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư; tiến sĩ và thạc sĩ với những quy định cụ thể về số lượng công bố bài báo, công trình khoa học trong năm.

Đối với giảng viên là giáo sư, phó giáo sư phải đạt một trong những yêu cầu là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 1 bài báo khoa học công bố trong năm trên các tạp chí quốc tế Q1, Q2, Q3; 1 bằng sở hữu trí tuệ (SHTT); chủ nhiệm của ít nhất 1 đề tài NCKH cấp ĐHQG-HCM (A,B,C)…

Giảng viên là tiến sĩ phải đạt tối thiểu 1 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc Scopus/ISI; hoặc 1 sách chuyên khảo hoặc 2 chương sách chuyên khảo bằng tiếng nước ngoài; tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 1 bằng SHTT; chủ nhiệm của ít nhất 1 đề tài NCKH cấp ĐHQG-HCM (A,B,C)…

Tương tự, giảng viên thuộc trình độ thạc sĩ tối thiểu 1 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc Scopus/ISI trong định kỳ 2 năm; tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 1 bằng SHTT; chủ nhiệm của ít nhất 1 đề tài NCKH cấp C ĐHQG-HCM; hoặc chủ biên/đồng tác giả của ít nhất 1 quyển sách chuyên ngành phục vụ đào tạo, NCKH được xuất bản trong nước hoặc quốc tế…

Nếu các đối tượng này không hoàn thành sẽ chỉ được xét mức hoàn thành nhiệm vụ cao nhất là “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

PGS.TS Huỳnh Thanh Công lưu ý, các định mức này sẽ không áp dụng cho giảng viên thuộc khối giáo dục thể chất, thể thao, quốc phòng và an ninh. Đồng thời, nếu giảng viên hoàn thành vượt định mức sẽ được giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy tối đa là 50% và được hỗ trợ tài chính đối với các sản phẩm khoa học không thuộc nhiệm vụ KH&CN.

Mặt khác, so với quy định trong Thông tư 20 của Bộ GD&ĐT, giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng thời gian làm việc trong năm (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ NCKH; Dự thảo này yêu cầu giảng viên ĐHQG-HCM phải dành ít nhất 600 giờ hành chính để tham gia hoạt động NCKH.

“Một trong những mục đích của Dự thảo là phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQG-HCM. Từ đó gia tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế trong giai đoạn 2021-2025 nhằm đạt 2.500 công bố vào năm 2022 và khoảng 15 ngàn công bố khoa học vào năm 2025 như kế hoạch chiến lược của ĐHQG-HCM đã đề ra” - Phó Trưởng ban Ban KH&CN nhấn mạnh.

Tọa đàm còn lắng nghe các tham luận về quy định chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên từ Trường ĐH Bách Khoa và Trường ĐH KHXH&NV.

Thảo luận tại tọa đàm, đại diện các đơn vị thành viên, trực thuộc đều nhất trí cần xây dựng quy định về định mức nghiên cứu khoa học của giảng viên. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, ĐHQG-HCM chỉ cần ban hành khung quy định chung, các trường sẽ căn cứ đặc thù hoạt động để xây dựng quy định phù hợp cho mình.

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://vnuhcm.edu.vn/su-kien-sap-dien-ra/dhqg-hcm-thao-luan-ve-dinh-muc-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-giang-vien/343537386864.html

 

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin