Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Mách bạn các cách hay để ôn thi học kỳ hiệu quả

Thân chào các bạn sinh viên, chúng ta đã đi qua ¼ chặng đường của học kỳ I năm học 2023-2024. Để hỗ trợ các bạn trong quá trình học tập, Thư viện UIT xin chia sẻ đến các bạn những phương pháp ôn luyện hay để ghi nhớ lâu hơn và vận dụng kiến thức tốt hơn trong các bài kiểm tra nhé! 

  1. Active recall (Chủ động gợi nhớ):

Đối với những kiến thức mới, việc học tập bị động như chép lại những gì đã học, nhìn slide và học thuộc,... sẽ hiệu quả. Nhưng đối với những kiến thức cũ, để tránh tình trạng: “Khái niệm này quen lắm nhưng mình chẳng nhớ ra?”, thì active recall là phương pháp khoa học hiệu quả mà các bạn sinh viên nên áp dụng. Các bạn có thể áp dụng bằng các cách sau:

  • Sử dụng flashcard: Một mặt ghi từ khóa, mặt còn lại sẽ ghi ngắn gọn những kiến thức quan trọng mà mình chưa nhớ, chưa hiểu liên quan đến từ khóa đó. Khuyến khích các bạn viết tay thay vì dùng tool hỗ trợ, vì thêm một lần viết là thêm một lần ghi nhớ đấy!

  • Vẽ sơ đồ tư duy: Hãy đóng sách lại, và kiểm tra xem bạn đã có thể hệ thống lại kiến thức của bản thân chưa bằng cách tự nhớ và vẽ lại những điều bạn đã học thành một sơ đồ thật logic.

  • Luyện tập đặt câu hỏi: Tưởng tượng rằng nếu bạn là giảng viên, tại kiến thức này, bạn sẽ hỏi sinh viên của bạn những gì. Sau đó hãy nhớ viết câu trả lời cho câu hỏi bạn vừa đặt ra nhé! 

  • Gắn lý thuyết vào những vật thực tế có tính chất tương tự: Ví dụ như bạn đang học về mạng, hãy tưởng tượng mỗi phòng học là một lớp mạng, cửa phòng là router, mỗi bộ bàn ghế bên trong là một PC, và đường đi giữa router này đến router khác là đường đi từ phòng học này đến phòng học khác. Mang kiến thức gắn vào những điều thực tế mà bạn quen thuộc, bạn sẽ nhớ lâu hơn rất nhiều.

  • Phát ra thành tiếng: Đừng chỉ học và giữ lại trong đầu, hãy nói ra thành tiếng và tưởng tượng như bạn đang thuyết trình/dạy cho ai đó. Và khi bạn trình bày, trong vô thức bạn sẽ muốn giải thích vì sao vấn đề lại như thế này, như thế kia, và điều đó buộc bạn phải học kĩ, hiểu sâu kiến thức. Thực tế là khi bạn giảng lại bài cho bạn khác, bạn sẽ nhớ lâu hơn đúng không?

  1. Spaced repetition (Lặp lại ngắt quãng): 

Đây là phương pháp phân bổ tần suất ôn tập, khi kiến thức bạn dần dần bị quên đi, bạn sẽ đọc lại tài liệu nhiều lần để ghi nhớ. Có 2 cách ứng dụng phương pháp này: 

  • Chu kỳ cố định: Nếu bạn chọn chu kỳ là 3 ngày, bạn sẽ học kiến thức vào ngày đầu tiên, và ôn tập lại lần 2 sau 3 ngày nữa. Quá trình này sẽ lặp đi lặp lại 3 lần hoặc nhiều hơn, mỗi lần ôn tập cách nhau 3 ngày.

  • Kéo dài thời gian ngắt quãng: Bạn học kiến thức mới, 2 ngày sau bạn ôn tập lần 1, 4 ngày sau đó ôn tập lần 2, 8 ngày sau đó ôn tập lần 3,... 

Đây là hai phương pháp khoa học được chứng minh đem lại hiệu quả cao trong việc giúp ôn tập lại kiến thức đã học. Các bạn nên áp dụng đồng thời cả hai phương pháp để đạt kết quả tốt nhất nhé! 

Cuối cùng, hãy luyện tập chăm chỉ và thường xuyên, bởi lẽ bất cứ phương pháp tuyệt vời nào cũng sẽ trở nên vô ích đối với những người lười biếng. Chúc các bạn thành công!

Theo Ngọc Thơ - Thư viện UIT

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://thuvien.uit.edu.vn/News/NewDetail/mach-ban-cac-cach-hay-de-on-thi-hoc-ky-hieu-qua

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông Trường Đại học Công nghệ Thông tin