Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

️[Spring Harmony] Vị Xuân - Đong đầy vị ngon, nồng nàn vị Việt

Mùa xuân xuất hiện với vô vàn chất liệu và chuyển động đòi hỏi ta phải dùng nhiều giác quan và tình cảm để nhận thức và cảm nhận. Cũng như mùi hương và âm thanh, cảm giác khi nếm được một mùi vị quen thuộc cũng khiến mùa xuân như thổi vào người. “Vị Xuân” chính là như vậy đó, thấm đượm cái hồn của một mùa tươi đẹp và xua tan cái trống rỗng giá lạnh của mùa đông đã qua.

“Vị Xuân” bắt đầu từ ngày Tết Tây, ta bất giác cảm nhận được sự nô nức đón Tết dâng lên trong lòng. Nó khiến ta nhớ những hương vị vừa quen thuộc lại vừa mới lạ, làm ta “ấm bụng”, cho ta năng lượng để tận hưởng mùa xuân.

Tuy vậy, mỗi vùng miền lại có những hương vị khác nhau, mang những nét đặc trưng riêng cho một xứ sở. Cái chung nhất vẫn là vị thơm ngon, đậm đà, niềm tự hào về quê hương, và bất kể là ở nơi đâu, “vị Việt” như trải dài rộng khắp. Không chỉ là món ăn, “vị Việt” còn thấm vào máu, gắn kết hàng triệu con người Việt Nam.

Vậy “vị Xuân” nào là vị mà bạn nhớ và mong muốn được thưởng thức nhất? Hãy cùng gợi nhớ lại các món ăn đặc trưng ngày Tết qua những câu thả thính dưới đây nhé!

Nem rán

Đây là món ăn đặc trưng của người miền Bắc, nay đã xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trong nước. Nem được làm từ thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, miến, trứng gà... được rán vàng giòn ăn kèm với nước mắm chua ngọt. Món này cũng rất được lòng người dân ở những nơi khác, đặc biệt là các bạn trẻ vì rất dễ ăn và có mùi vị cuốn hút.

Nem rán gắn liền với hình ảnh của mọi thế hệ phụ nữ đứng trong gian bếp, nhẫn nại cuốn từng cuốn thật “chắc tay” với mong muốn gia đình hòa thuận yêu thương, các thành viên xích lại gần nhau và còn là một sự chắc chắn của các thành công trong tương lai.

Bánh chưng

Chắc chắn là không ai quên được món này đâu nhỉ? Một món ăn đã xuất hiện ngay trong các bài học của chúng ta thuở bé với hình thức sự tích. Tiết Liêu đã được Thần báo mộng rằng gạo là thức quý nhất trời đất, dặn ông hãy làm bánh chưng và bánh dày để tượng trưng cho Trời và Đất. Vua Hùng đã nếm thử và quyết định truyền ngôi Vua lại cho ông.

Cũng từ đó mà mỗi dịp Tết Nguyên Đán, người dân ta hay làm bánh chưng để cúng Trời Đất và tổ tiên. Món bánh mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện sự cung kính và biết quý trọng những gì mình có.

Mứt Tết

Đây có lẽ là niềm vui ngày Tết của rất nhiều người. Nhà nhà đều bày đa dạng các loại bánh mứt để mời khách, cùng quây quần bên nhau trò chuyện và thưởng thức.

Gà luộc

Món ăn dẫn đầu trong mâm cỗ ngày Tết. Một con gà luộc đúng chuẩn phải là gà trống hoa được bẻ cánh, buộc chân tạo dáng. Khi luộc gà phải canh cho gà chín đều, không được vỡ da, sao cho gà vẫn giữ được dáng vẻ ngẩng cao đầu, oai vệ giữa mâm cúng. Người ta chọn gà trống thay vì gà mái bởi nó gắn với 5 đức tính của con người: thần tử, chiến binh, dũng cảm, nhân hậu, trung tín.

Đây là một món ăn mang cả ý nghĩa thực tiễn lẫn tinh thần, là một truyền thống đã được truyền từ bao đời nay. Nó bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu vạn sự như ý, gặp dữ hóa lành, cuộc sống an yên.

Thịt kho tàu

Món ăn đầu tiên không thể không nhắc đến là thịt kho tàu hay thịt kho trứng. Đây cũng là món ăn mà nhà nhà, người người đều phải ăn… đến khi hết Tết. Với nguyên liệu đơn giản là thịt ba rọi và trứng gà hoặc thịt vịt, vài nơi còn cho thêm trứng cút, được nấu trong nhiều giờ và phải canh lửa thật công phu. Trong đó có sự góp mặt quan trọng của nước màu dừa tạo nên màu sắc đặc biệt của món ăn.

Thịt kho tàu đã tồn tại một khoảng thời gian rất dài trong lịch sử, không biết có từ bao giờ nhưng đã gắn bó rất lâu với người dân Việt Nam, đặc biệt là người miền Nam. Nó mang đến cho mọi người cảm giác đầm ấm, sum vầy, là dấu hiệu của một năm mới thuận lợi và thành công.

Thông tin chi tiết xem thêm tại: https://www.facebook.com/tuoitre.uit/posts/pfbid0pRru6VrVdUCsjQKuYm8ZZV4LJkomtPEXwg2USx2pNfGLYDKB7VHEomVq4xjWGCF3l

Đông Xanh - Cộng tác viên truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin