Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Lời khuyên cho cách học Speaking

Bạn học tiếng anh rất tốt và có thể đọc hiểu một cách thuần thục nhưng khi nói thì lại chẳng tới đâu? Mỗi lần cất giọng lên nói tiếng anh thì lại y như rằng, bạn rất sợ nói sai. Sai ngữ pháp, sai từ vựng, sai câu trả lời...

Hiểu được nỗi lòng đó của các bạn, Đội hình Hội nhập chúng mình xin mang đến cho mọi người những kinh nghiệm mà tự chúng mình đã đúc kết để giúp cho các bạn có thể nói tiếng Anh một cách trôi chảy, mạch lạc, không còn quá sợ hãi nữa.

- Luyện nói tiếng Anh nhiều nhất có thể trong cuộc sống thường ngày:  Đây chính là điều quan trọng bậc nhất trong quá trình ôn luyện Speaking nói riêng và cả việc học tập các ngôn ngữ khác nói chung. Khi ta giao tiếp, sự tự tin sẽ là yếu tố đầu tiên được người đối diện đánh giá. Mức độ tự tin và thoải mái khi bạn giao tiếp sẽ tỉ lệ thuận với thời gian mà bạn đầu tư vào việc luyện tập Speaking. Và để có được sự tự tin ấy, bạn cần phải mang tiếng Anh vào lời ăn tiếng nói hằng ngày, hoặc bạn có thể tìm một người bạn đồng học tiếng Anh và ra luật là chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh để nâng cao trình độ Speaking của cả hai.

- Nắm rõ cấu trúc bài thi và cấu trúc thang điểm của Speaking: Cấu trúc đề thi và cấu trúc thang điểm là 2 thứ bạn được biết trước khi đi thi, vì vậy bạn nên tận dụng tối đa điều này trong quá trình ôn luyện, đặc biệt là khi bạn biết bạn cần nhắm tới một band điểm nào đó. Việc nắm rõ được cấu trúc bài thi và thang điểm sẽ giúp bạn biết mình cần phải chuẩn bị trước những gì để không trở nên bị động khi làm bài thi. Nếu muốn gây ấn tượng tốt với ban giám khảo thì bạn phải hiểu họ mong thấy điều gì từ bạn. Chúng ta có thể liệt kê một số tiêu chí đánh giá điển hình sau để bạn có thể phát triển thêm, như là: phát âm, ngữ pháp, từ vựng, sự trôi chảy, linh hoạt trong cách dùng từ…

- Luyện cách phát âm chuẩn và mở rộng vốn từ vựng: Khi luyện tập, bạn nên tập nói ở một tốc độ vừa phải để tránh nói vấp hoặc lúng túng khi cảm thấy bí ý. Bạn cũng nên dành thêm thời gian để chỉnh sửa lại cách phát âm chuẩn của những từ bạn còn sai sót. Việc mở rộng thêm vốn từ cũng giúp ích rất nhiều trong việc triển khai và truyền đạt ý tưởng khi bạn nói. Đồng thời, trang bị cho mình một phản xạ tốt cũng giúp bạn trở nên chủ động hơn trong giao tiếp.

- Đừng cố sử dụng cấu trúc câu phức tạp hay từ ngữ cao siêu nếu bạn chưa đủ tự tin: Bạn nên hiểu rằng mục đích tối thượng của bài thi Speaking chính là đánh giá khả năng giao tiếp thường nhật bằng tiếng Anh của bạn, chứ không phải là khả năng giao tiếp bằng các từ vựng hoa mĩ hoặc sử dụng những dạng ngữ pháp “đao to búa lớn” gì cả. Bạn nên sử dụng những từ vựng nào mà bạn cảm thấy thân thuộc nhất để tránh việc phải suy nghĩ quá nhiều về việc chọn từ vựng.

- Tuyệt đối không học thuộc câu trả lời cho bất kì câu hỏi nào: Cũng tương tự như việc dùng tài liệu trong phòng thi, việc học thuộc câu trả lời có hại nhiều hơn có lợi. Các giám khảo sẽ biết rằng liệu bạn có đang “trả bài” cho họ chỉ thông qua cử chỉ, ánh mắt và nhịp lấy hơi thở của bạn. Việc học thuộc cũng gây ra một tác hại to lớn khác, đó chính là sự thụ động trong giao tiếp, và bạn thật sự không muốn bị giám khảo nhìn ra điều đó. Thay vì đó, điều chúng ta nên làm chính là trau dồi thêm vốn từ và vốn hiểu biết về những vấn đề cơ bản để khi được hỏi, chúng ta sẽ có sẵn ý tưởng trong đầu để đáp lại câu hỏi đó.

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/tuoitre.uit/posts/pfbid05hUQgkz4f2tqa3zib8pXLZCAbzep3BY7cT71x6nUqsP2TCEJ5EyaYocUBxtL7R3Nl

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin