Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Cùng BAIT đi tìm nguồn gốc của "Táo Quân" 

Cứ đến 23 Tháng Chạp hằng năm, nhà nhà đều tất bật thực hiện lễ nghi "Cúng Ông Táo" truyền thống. Thế nhưng đã bao giờ bạn phụ giúp gia đình mà tò mò ý nghĩa công việc mình đang làm hay từ đâu mà chúng ta lại có ngày ông Công ông Táo chưa? Hôm nay hãy cùng BAIT đi tìm nguồn gốc của "Táo Quân" nhé!

Sự tích ông Công ông Táo - câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng - vốn bắt nguồn từ Trung Quốc sau đó đã được tín ngưỡng dân gian Việt hoá và truyền khẩu, ghi chép nên ngày nay chúng ta mới có tên gọi Ông Táo hết sức ngắn gọn và thân quen.

Truyện kể rằng xưa kia có chàng Trọng Cao, có một cuộc sống rất là thân thiết mặn nồng với người vợ là Thị Nhi. Tuy hạnh phúc là vậy song hai vợ chồng mãi không có con nên sinh ra buồn phiền rồi dần dà xảy ra mâu thuẫn với nhau.

Một hôm, chỉ vì một chuyện cỏn con mà Trọng Cao đã giận quá, đánh vợ. Thị Nhi không chịu được nữa đành cuốn gói ra đi. Nàng đã đi mãi, đi mãi đến một xứ xa lạ và tìm thấy Phạm Lang - tình yêu mới của cuộc đời mình. Hay người nhanh chóng nảy sinh tình cảm và đã kết thành vợ chồng.

Về phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận và nhìn nhận lại sự việc lại cảm thấy vô cùng ân hận và đau xót. Anh ta quyết tâm lên đường tìm vợ để hàn gắn trái tim tan vỡ của mình. Trong suốt hành trình, chàng đã vô tình tiêu hết tiền bạc đem theo nên đành phải trở thành ăn xin, ngày trở nên rách rưới và đói khát.

Tình cờ một hôm, Trọng Cao ăn xin đúng nhà của Thị Nhi. Cô ấy nhanh chóng nhận ra người chồng cũ vừa hay nhân lúc Phạm Lang đi vắng, nàng đã mời kẻ hành khuất một bữa cơm. Trải qua cuộc tâm sự, Thị Nhi dần cảm thấy có lỗi vì đã trót lỡ kết duyên cùng Phạm Lang.

Trò chuyện được một lúc thì Phạm Lang về, sợ hiểu lầm nên Thị Nhi đã giấu Trọng Cao trong đống rơm ngoài vườn. Chẳng may, Lang đã đốt đống rơm để hôm sau có tro bón ruộng. Nhìn ngọn lửa cháy bừng bừng, Thị Nhi hốt hoảng vì để Trọng Cao chết thiêu nên đã lao vào đống rơm để cứu chàng. Phạm Lang vì thương vợ nên cũng đã nhảy vào xin đi theo cùng vợ.

Linh hồn của ba người sau đó diện kiến Thượng Đế. Thần linh thương tình cả ba người đều sống có tình có nghĩa nên sắc phong cho họ thành Định Phúc Táo quân - định đoạt phước đức cho gia đình - với Trọng Cao làm Thổ Địa, Phạm Lang thành Thổ Công còn Thổ Kỳ là Thị Nhi hay cũng chính là thần Nhà, thần Đất và thần Bếp núc trong huyền tích "hai ông - một bà" mà dân gian ta đã lưu truyền. Phong tục "Cúng Ông Táo" cũng từ đó mà sinh ra.”

Cha ông ta tin rằng cứ đến 23 tháng Chạp, ba vị thần Táo sẽ lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế về những điều tai mắt ở trần gian, về những việc làm tốt xấu của các thành viên trong gia đình trong một năm qua. Vậy nên, cứ đến ngày này, các gia đình đều sẽ chuẩn bị cá chép, làm mâm cơm lễ nhằm bày tỏ biết ơn với các vị thần. Sau khi hoàn tất việc cúng kiếng, tục lệ phóng sinh cá chép ở ao hồ như thể hiện tinh thần nhân ái, từ bi của người Việt Nam.

Ngày ông Công ông Táo đã đi vào tiềm thức của nhân dân ta, vừa là sự kiện báo hiệu năm mới đã gần kề vừa là dịp để gia đình sum họp. Dù gì Tết cũng là ngày đoàn viên mà nhỉ?

Tết Nguyên Đán đã gần kề, chúng ta hãy cùng gia đình đưa tiễn Ông Táo thật long trọng, thu dọn trang trí nhà cửa thật sạch sẽ để chào tạm biệt năm cũ và đón một mùa Tết Giáp Thìn thật hoành tráng nào!

Nội dung được thực hiện bởi:

Content: Trung Kiên

Design: Kiến Tường

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/clb.sachvahanhdong.uit/posts/pfbid02Rp99g9bC7CRrQQTXixxDW9u1j25xEtkiJck7kmVdUKVjf4bKAD5aj48DqT3mL1hUl

Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin