Skip to content
  • Tiếng Việt
  • English

Hơn 800 giảng viên, sinh viên nghe bài giảng đại chúng về AI 

Hơn 800 giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM đã tham dự chương trình Bài giảng đại chúng về trí tuệ nhân tạo (AI) do ĐHQG-HCM và Đại học Deakin đồng tổ chức tại Hội trường Trần Chí Đáo, Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào chiều 8/4.

PGS.TS Trần Minh Triết phân tích về các ứng dụng của AI trong y tế thông minh.

Các chuyên gia hàng đầu về AI của hai đại học đã chia sẻ về các thành tựu và thách thức mới nhất, cũng như khả năng ứng dụng của AI trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong y tế và nghiên cứu y sinh.

Trao đổi về chủ đề “AI Tạo sinh: Thay đổi bối cảnh của AI”, GS Trần Thế Truyền, Trưởng nhóm AI, Y tế và Khoa học, Viện A2I2, ĐH Deakin, đã giới thiệu các khái niệm cơ bản về AI tạo sinh và chỉ ra tiềm năng của AI tạo sinh trong việc biến đổi các ngành công nghiệp, “bình dân hóa” sự sáng tạo và thúc đẩy hợp tác người - máy.

GS Truyền cho rằng AI tạo sinh có thể tăng cường trải nghiệm học tập, thúc đẩy sự hợp tác liên ngành và mở ra các lối đi mới cho nghiên cứu và quản lý các rủi ro tiềm ẩn.

Ngay sau bài giảng của GS Trần Thế Truyền, GS Sunil Gupta - Trưởng nhóm Trí tuệ Nhân tạo, Tối ưu hóa và Khám phá Vật liệu, Viện A2I2, ĐH Deakin, đã phân tích về vai trò của AI trong sự thúc đẩy khám phá khoa học.

Theo GS Sunil Gupta, AI đã có các bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các thách thức thực tế như ra quyết định tự động, thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Với tiềm năng to lớn của mình, AI có triển vọng cách mạng hóa các lĩnh vực khoa học, lĩnh vực chìa khóa cho sự sống còn và tiến bộ của loài người. Tuy nhiên, sự khan hiếm của dữ liệu khoa học quy mô lớn để huấn luyện các mô hình AI vẫn là một rào cản.

GS Gupta còn thảo luận về các phương pháp AI lấy mẫu hiệu quả, khai thác AI để nhanh chóng phát triển các sản phẩm và quy trình mới nhằm đáp ứng các mục tiêu cụ thể; sử dụng AI để đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng, tạo điều kiện đạt được các phát kiến kịp thời để tạo ra các can thiệp, liệu trình và phương pháp điều trị hiệu quả.

PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, kết thúc chương trình với bài giảng về “Ứng dụng AI và Tương tác Máy tính con người trong Y tế Thông minh”.

PGS Triết đã trình bày về các ứng dụng đột phá của AI và Tương tác Người - Máy (HCI) trong chăm sóc sức khỏe thông minh, nhất là các lĩnh vực như phân loại từ hình ảnh X-quang, CT hoặc MRI, phân đoạn polyp, phân đoạn 3D và tích hợp thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường (VR) trong đào tạo lĩnh vực y tế, phục hồi chức năng và trị liệu.

PGS.TS Trần Minh Triết đã làm sáng tỏ tiềm năng của AI và HCI trong cải tiến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy hợp tác liên ngành và giải quyết các thách thức về quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin để đưa chăm sóc sức khỏe thông minh dễ tiếp cận, hiệu quả và tập trung vào bệnh nhân hơn.

Từ trái sang: PGS.TS Trần Minh Triết, GS Sunil Gupta và GS Trần Thế Truyền giải đáp các thắc mắc của sinh viên sau bài giảng.Hơn 800 giảng viên, sinh viên nghe các chuyên gia trao đổi về ứng dụng của AI trong nghiên cứu khoa học.

Theo Phiên An - ĐHQG TP.HCM

Mọi thông tin chi tiết xem tại: https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/hon-800-giang-vien-sinh-vien-nghe-bai-giang-dai-chung-ve-ai/353834363364.html 


Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường Đại học Công nghệ Thông tin